Lựa lời mà nói...

Nhiều người bảo, vợ chồng sống với nhau là phải chân thành, tính tình sao thì thể hiện vậy, nghĩ sao nói đó thì hôn nhân mới bền vững. Liệu rằng trong cuộc sống hôn nhân, sự bộc trực trong lời ăn, tiếng nói có phải là chất liệu tốt để gắn kết vợ chồng?
Sự tôn trọng trong giao tiếp sẽ đem lại hạnh phúc cho các gia đình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

1. “Chị nộp đơn rồi, chị ly hôn em ạ”, chị Yến hàng xóm tâm sự bằng giọng điệu thể hiện rõ sự bất lực. Tôi không mấy bất ngờ với quyết định này của chị nhưng tiếc cho cuộc hôn nhân 26 năm mà chị vun đắp.

Chị kể, ngày trước chị thương anh ở cái tính cầu tiến, lại vui vẻ, phóng khoáng, đi đến đâu là mang không khí rộn ràng đến đó. Cuộc sống vợ chồng cũng có lúc thăng trầm, kinh tế mấy năm đầu khi thiếu nhiều hơn dư nhưng luôn đầy ắp tiếng cười. Vậy mà khi sắp lên chức ông, bà, trong nhà chẳng mấy khi có nổi tiếng cười.

Anh Vinh (chồng chị Yến) không phải tuýp người cờ bạc, bia rượu hay ong bướm bên ngoài. Anh cũng không có tính vũ phu, thích động chân động tay với vợ con mà ngược lại, anh chiều vợ con khó ai bằng. Nhưng ngặt nỗi, anh có tính hay bắt bẻ, chì chiết vợ bằng những lời nói khó nghe. Theo như lời chị Yến, bất kể ở đâu, khi nào anh cũng có thể chì chiết vợ. Chị nói gì anh cũng chỉnh, chị phản ứng thì từ dây cà anh vòng ra dây muống, có khi ý chị thế này anh lại suy diễn sang ý khác rồi “chỉnh đốn” vợ cả buổi. Nói xong, anh lại coi như không có chuyện gì xảy ra nhưng nói riết thành quen miệng, ngày nào không nói, anh chịu không đặng.

Ám ảnh nhất là anh Vinh thích “chỉnh đốn” vợ khi nhà có khách, thành thử sau này, chị ngại mỗi khi có khách đến chơi hoặc có việc phải đi đâu đó với chồng. Ngay trong cuộc sống hàng ngày, chị cũng trở nên lầm lũi, ít nói hẳn. Những lúc vợ chồng vui vẻ, chị góp ý thì anh xin lỗi, hứa tới hứa lui rồi... đâu lại vào đấy.  “Ở nhà mình, sống với chồng con mà dè dặt, để ý nhau từng từ thì sao chịu thấu. Vì tính khí ba nó thế nên bọn trẻ cũng không dám dắt bạn về”, chị tâm sự. Người thân, bà con họ hàng thấy bất bình cho chị nên cũng tìm cách góp ý anh nhưng không ăn thua, thậm chí có lúc còn như thêm dầu vào lửa.

2. Nghe qua thì tưởng chuyện lời ăn tiếng nói là nhỏ nhặt, nhưng thực tế nó như “con vi khuẩn” mỗi ngày xâm nhập vào cuộc hôn nhân của nhiều cặp vợ chồng. 

Một thời gian dài, gia đình chị Tú trở thành chủ đề bàn tán của cả xóm. Vợ chồng chị Tú đều là dân kinh doanh. Anh Hà ra ngoài bôn ba nhiều nhưng tính tình hiền lành, chí thú làm ăn. Vợ đẹp, con khôn, kinh tế dư giả, đùng một cái, có người bắt gặp anh Hà cặp bồ. Bồ anh ở xóm bên, lớn tuổi hơn anh. Còn về nhan sắc thì thua xa chị Tú. Cũng bởi sự chênh lệch ấy nên câu chuyện anh Hà cặp bồ cả 5 năm nay nhưng đến giờ vẫn hay được người trong xóm “xới” lại để răn dạy con, cháu trong cách cư xử với bạn đời.

Trách anh Hà một thì trách chị Tú mười, bởi cái tánh cứ mở miệng ra là chê chồng. Từ chê tính anh hiền, chê anh “đụng đâu hỏng đó” đến bắt bẻ anh mọi chuyện. Có ai góp ý thì chị lại biện bạch là quen miệng, là miệng nói thế chứ bụng chả nghĩ gì, rằng trong thâm tâm, chồng chị vẫn là số một. Rồi chị đem cái cớ anh không phản ứng để khẳng định chỉ có anh mới hiểu vợ, đâu thèm chấp nhặt chị. Nhưng có lẽ chính sự hời hợt của chị đã không nhận ra sự xa cách của anh.

Rồi anh gặp người phụ nữ ấy - một phụ nữ không có gì nổi bật nhưng cho anh cảm giác được tôn trọng. “Cổ ăn nói nhỏ nhẹ, luôn động viên, khích lệ tôi trong mọi việc, bởi vậy...”, anh Hà thừa nhận trước mặt vợ. Chị Tú như chết lặng khi cuộc hôn nhân của mình đứng bên bờ vực thẳm chỉ vì cái tật muốn nói gì thì nói của mình. Sau lần ấy, vợ chồng chị Tú xốc lại cuộc sống. Bản thân chị Tú tự chỉn chu lại mình, cân nhắc hơn trong lời ăn tiếng nói. Thời gian sau, cuộc sống gia đình chị Tú phần nào đã ổn định nhưng trong sâu thẳm trái tim mỗi thành viên đều có khoảng trống nhất định. 

Quan hệ vợ chồng rạn nứt rồi đứt gánh bởi lời ăn tiếng nói không phải là không có. Người xưa nói “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” là vậy. Dù cho đó là mối quan hệ vợ - chồng, là người ruột thịt hay đơn thuần là xã giao thì vẫn là mối quan hệ giữa người này với người khác, cần có sự tôn trọng trong giao tiếp. Nếu buông thả trong lời ăn tiếng nói sẽ không thể không tránh khỏi sự thất vọng, sự tổn thương rồi đứt gãy. 

Sống thật, sống thẳng là đáng quý, nhưng trong cái thật, cái thẳng mà thiếu đi sự khéo léo thì cho dù cuộc hôn nhân ấy được xây đắp bằng “chất liệu” gì đi chăng nữa, rồi cũng sẽ có lúc vụn vỡ.

Tin cùng chuyên mục