“Lụa”: Kiệt tác văn chương từ cuộc gặp gỡ giữa phương Tây và phương Đông

Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1996, ngay sau đó tiểu thuyết Lụa của nhà văn Alessandro Baricco nhanh chóng trở thành một hiện tượng văn học ở châu Âu, một bestseller quốc tế. Sau 20 năm ra mắt tại Việt Nam, Lụa vừa được Phanbook liên kết với NXB Hội Nhà văn tái bản với những chỉnh sửa từ dịch giả, giúp tác phẩm đạt đến độ hoàn thiện cao nhất. 

Nhân dịp này, cuộc trò chuyện với chủ đề “Lụa và một cuộc gặp gỡ Nhật Bản” vừa được diễn ra vào sáng 10-4 tại TPHCM với sự tham gia của dịch giả Quế Sơn (người dịch tiểu thuyết Lụa), nhà văn - nhà nghiên cứu Nhật Chiêu và Tiến sĩ Đào Lê Na.

Trong vòng 2 năm đầu tiên ra mắt, chỉ riêng châu Âu, số lượng tác phẩm bán được đã lên đến 700.000 cuốn. Tác phẩm là những chuyến du hành diệu vợi của Hervé Joncour từ thị trấn Lavilledieu ở miền Nam nước Pháp đến một ngôi làng bí ẩn ở đất nước Nhật Bản, để tìm mua trứng tằm nhằm duy trì nghề chăn tằm dệt lụa. Ở đó, anh phải lòng người thiếp của vị lãnh chúa Nguyên Mộc để rồi cả cuộc đời chìm trong ám ảnh về “đôi mắt không có dáng phương Đông” đó.

“Lụa”: Kiệt tác văn chương từ cuộc gặp gỡ giữa phương Tây và phương Đông ảnh 1 Các diễn giả tại chương trình. Từ trái qua: dịch giả Quế Sơn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu và Tiến sĩ Đào Lê Na. 
Từng xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2000 qua bản dịch của dịch giả Quế Sơn (dịch từ bản tiếng Pháp), sau đó tác phẩm có thêm một bản dịch khác được ấn hành vào năm 2007. Mới đây, Lụa tiếp tục tái ngộ bạn đọc qua bản dịch của Quế Sơn. Khác với ấn bản phát hành vào năm 2000, sau 20 năm, tác phẩm có nhiều chỉnh lý mới sau khi dịch giả đã bỏ nhiều thời gian rà soát lại bản dịch tiếng Việt với bản tiếng Ý Seta in năm 2013 của NXB Feltrinelli.

Điều gì làm nên sức hút cho một cuốn tiểu thuyết với dung lượng chưa đến 150 trang (bản tiếng Việt), trong khi bản gốc chỉ có 90 trang?

Trước khi tìm lời đáp cho câu hỏi này, dịch giả Quế Sơn phỏng đoán rằng, có thể Lụa ít nhiều ảnh hưởng từ vở nhạc kịch Madame Buterfly của của Giacomo Puccini. Ngoài sự gần gũi về bối cảnh, hai tác phẩm còn tái hiện về những cuộc gặp gỡ của người đàn ông Tây phương và người phụ nữ Nhật Bản.

“Lụa”: Kiệt tác văn chương từ cuộc gặp gỡ giữa phương Tây và phương Đông ảnh 2 Sau 20 năm ra mắt tại Việt Nam, kiệt tác văn chương của nhà văn Alessandro Baricco tiếp tục tái ngộ với độc giả qua bản dịch đạt đến độ hoàn thiện cao nhất
Theo dịch giả Quế Sơn, trước khi viết tiểu thuyết, Alessandro Baricco là một nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng. Vậy nên, có thể đoán ông đã nghe rất nhiều những vở nhạc kịch nổi tiếng, trong đó có bản Madame Buterfly.

Và vốn là nhà nghiên cứu âm nhạc nên tác phẩm Lụa của ông mang đậm nhạc tính. Dịch giả Quế Sơn cho biết, điều này được thể hiện ở cấu trúc của tiểu thuyết, được viết giống như một bản opera. Ngoài ra, đối thoại trong tác phẩm rất ngắn gọn, chữ dùng có sự chọn lọc. Đây cũng là một đặc điểm tương đồng với những soạn giả của opera.

Nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng liên quan đến văn chương và văn hóa Nhật Bản như: Ba ngàn thế giới thơm, Câu chuyện văn chương phương Đông, Nhật bản trong chiếc gương soi… Chính vì vậy, khi giải mã sức hút của Lụa, ông nhìn thấy ở đó dấu ấn phương Đông (cụ thể là Nhật Bản) một cách đậm nét.

“Lụa”: Kiệt tác văn chương từ cuộc gặp gỡ giữa phương Tây và phương Đông ảnh 3 Đông đảo độc giả đã tham dự và lắng nghe những chia sẻ thú vị từ các khách mời 

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu thông tin thêm: “Phương Tây khám phá ra tiểu thuyết đầu tiên của nhân loại không phải là Đông-ki-sốt (Don Quixote) vào thế kỷ 17, mà là Genji, được viết vào khoảng năm 1.000, cách đây 1.020 năm. Ở đó, tính hiện đại của tiểu thuyết rõ mồn một, rỡ hơn Đông-ki-sốt. Chính vì vậy, nhà văn phương Tây bắt đầu nhìn nhận lại văn chương Nhật Bản”.

Chính từ việc “nhìn nhận lại” văn chương Nhật Bản ấy đã tạo nên những cuộc kết hợp giữa phương Đông và phương Tây, mà Lụa là một điển hình.

“Lụa”: Kiệt tác văn chương từ cuộc gặp gỡ giữa phương Tây và phương Đông ảnh 4 Dịch giả Quế Sơn ký tặng độc giả nhân dịp tái bản dịch phẩm "Lụa" của nhà văn Alessandro Baricco 
Theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, cái nhìn trong Lụa rất đặc biệt. Bởi nhà văn Baricco là người Ý, nơi được gọi là xứ sở của truyện ngắn hiện đại đầu tiên trên thế giới, đề cập đến mối quan hệ giữa con người với con người; quan trọng hơn là quan hệ giữa ta với thế giới bên trong của ta.

“Cái nhìn của Baricco vừa mang dấu ấn truyền thống của văn chương Ý, vừa học được từ văn chương Nhật Bản trong sự cô đọng, tinh giản và bay bổng đầy chất thơ. Điều kỳ lạ là nhà văn Baricco đã tạo ra một sự kết dính tài tình và tinh tế giữa hai nền văn hóa Ý và Nhật; giữa thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn. Chính điều này đã tạo ra một sự hoang mang cho độc giả khi đọc Lụa, không rõ tác phẩm là truyện ngắn, thơ hay tiểu thuyết”, nhà văn Nhật Chiêu nhận định.

Mặc dù được viết bởi nhà văn người Ý, còn nhân vật chính là người Pháp, bối cảnh trong tác phẩm cũng là nước Pháp. Tuy nhiên, đọc Lụa độc giả dễ dàng nhận ra không khí và tinh thần Nhật Bản đẫm đầy trong tác phẩm. Tại chương trình giao lưu, dịch giả Quế Sơn tiết lộ, khi viết Lụa, nhà văn Alessandro Baricco chưa từng đặt chân đến Nhật Bản. Chỉ đến khi tác phẩm ra mắt, ông mới sang Nhật; và trong những cuộc gặp gỡ với văn giới lẫn độc giả nơi đây, Baricco không phải nghe một lời trách cứ nào về câu chuyện Nhật Bản được đề cập trong tác phẩm. 

Tin cùng chuyên mục