Lừa đảo tuyển dụng quanh các khu công nghiệp ở Bình Dương

Thời gian gần đây, lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm của người dân, nhất là sinh viên mới ra trường hoặc những người mới từ quê ra đi xin việc, nhiều đối tượng lừa đảo đã bày ra các chiêu thức để lừa tiền người đi xin việc. 
Xin việc phải đóng tiền
Trong vai người đi xin việc, chúng tôi tìm đến văn phòng tuyển dụng được giới thiệu trên các tờ quảng cáo dán đầy cổng các khu công nghiệp (KCN), khu vực nhà chờ xe buýt, cây xăng…
Những quảng cáo chỉ có số điện thoại, không có địa chỉ cụ thể, không có tên công ty. Khi gọi đến số điện thoại 0925723531, người nghe máy nói nếu muốn làm việc thì đến trực tiếp văn phòng chứ không trả lời qua điện thoại.
Đến nơi, chúng tôi khá bất ngờ khi văn phòng tuyển dụng là tòa nhà 3 tầng bề thế nhưng không có bảng hiệu, số nhà. Bên trong có rất đông người đang dự tập huấn và một vài người chờ nộp hồ sơ ở phòng tiếp tân.
Lừa đảo tuyển dụng quanh các khu công nghiệp ở Bình Dương ảnh 1 Một tờ rơi quảng cáo tuyển lao động ở bến xe buýt ở Bình Dương
Tiếp chúng tôi là một thanh niên tên Hà (giới thiệu là nhân viên Công ty Sen Hồng). Sau khi thăm dò mục đích công việc, nhân viên này giới thiệu một vị trí cần tuyển là nhân viên văn phòng, làm giờ hành chính, mức lương là 5,8 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm các trợ cấp khác.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi công việc là làm những  gì thì người đại diện công ty không nói rõ mà tư vấn “dự các buổi tập huấn sẽ biết”.
Trong số 5 người cùng vào nộp hồ sơ phỏng vấn, có 4 người mua tài liệu tham khảo (120.000 đồng/bộ), đồng thời cam kết đóng tiền tham dự các buổi tập huấn với chi phí 2,5 triệu đồng/ khóa học.
Cả công ty chỉ khoảng 3 người (bao gồm 1 bảo vệ) nhưng tổ chức tập huấn liên tục cho rất nhiều người. Chị Vũ Thị Hà (quê Nghệ An, tạm trú phường Bình Hòa, thị xã Thuận An) học hoài không có việc làm, không được nhận lương nên nghỉ ngang và mất tiền.
Chị Hà đóng gần 3 triệu đồng học hơn 1 tháng qua, ngay tại buổi học chị đã lên tiếng phản ứng. Cũng theo chị Hà, khi người dân đến tìm việc làm sẽ được “dụ” đóng tiền tham gia các buổi tập huấn, sau đó sẽ được hướng dẫn tìm kiếm người có nhu cầu như chị vào công ty đăng ký, tuyển dụng được càng nhiều sẽ có thu nhập càng cao. Theo suy luận của chị, công việc này giống với hình thức kinh doanh đa cấp. Ngay khi nhận ra bản chất của công việc, chị Hà quyết định nghỉ tham gia. 
Tìm kiếm thông tin về Công ty Sen Hồng, chúng tôi được biết trước đây công ty có trụ sở tại số 11B khu phố Đồng An, thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương).
Hiện tại văn phòng tuyển dụng này nằm ngay ngã 3 đường số 8 và đường số 11, thuộc phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Công ty dán các thông báo tuyển dụng khắp nơi ở Bình Dương như KCN VSIP, KCN Bình Đường, KCN Đồng An và dọc các tuyến quốc lộ 13, đường DT 743…
Với hình thức tương tự, một văn phòng tuyển dụng khác ở số 749/5 đường ĐT 743B cũng dán thông báo tuyển dụng khắp nơi nhưng chỉ để bán hồ sơ và “dụ” tham gia các lớp tập huấn để thu tiền mà không chỉ ra công việc cụ thể.
Chị Lường Thị Dương (31 tuổi, tạm trú phường Linh Trung, quận Thủ Đức) cho biết, khi chị vào nộp hồ sơ và phỏng vấn tại văn phòng này thì được thông báo trúng tuyển vị trí trưởng phòng bán hàng khu vực tỉnh Bình Dương với mức lương 8 triệu đồng/tháng chưa bao gồm các phụ cấp khác, nhưng phải đóng ngay 7 triệu đồng tham gia lớp học làm quản lý khu vực nên chị từ chối. 
Cần nâng cao cảnh giác
Chị Dương cũng cho biết thêm, trước đây chị đã từng “dính” vào một trường hợp tuyển dụng lừa đảo, khi đã đóng tiền đầy đủ thì bị yêu cầu tuyển dụng nhân viên cấp dưới giống hình thức xây dựng mạng lưới đa cấp.
Đây là chiêu thức lừa đảo không mới nhưng thời gian qua nở rộ trở lại ở nhiều KCN khiến không ít người mất tiền oan. Biểu hiện dễ thấy nhất là trên các tờ rơi thông báo thường không để rõ địa chỉ liên lạc, đồng thời yêu cầu đến trực tiếp để thăm dò hòng tránh sự điều tra của cơ quan chức năng và dễ dàng lôi kéo các trường hợp nhẹ dạ, cả tin, nhất là sinh viên mới ra trường, công nhân thất nghiệp. 
Theo Trung tá Võ Hoàng Nam, Đội Phó Cảnh sát điều tra, Công an thị xã Thuận An, các đối tượng thường lợi dụng nhu cầu tìm việc làm của người dân và thiếu thông tin tham khảo để lừa nộp tiền mua tài liệu và dự lớp tập huấn.
Đến khi nản thì nạn nhân tự bỏ việc mà không thể yêu cầu hoàn tiền đã đóng. Trong khi các thông báo tuyển dụng được dán khắp nơi, khó biết thật giả, người dân cần tìm hiểu rõ doanh nghiệp mình muốn tuyển dụng, trong đó phải hỏi rõ về công việc, mức thu nhập và các quyền lợi khác được hưởng, tránh việc mất tiền nhưng vẫn không tìm được việc làm 

Tin cùng chuyên mục