Lựa chọn điện hạt nhân

Khi giá dầu và khí đốt đạt mức cao kỷ lục, nhiều nước nhận ra điều cần thiết là phải đa dạng hóa các nguồn năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào dầu khí. Tuy nhiên, các phương pháp tiếp cận của mỗi quốc gia khác nhau và điện hạt nhân vẫn là một lựa chọn được ưu tiên. Pháp là nước đứng đầu trong Liên minh châu Âu về việc xây dựng thêm các nhà máy hạt nhân.

Ở Nhật Bản, những lời kêu gọi phát triển điện hạt nhân ngày càng tăng từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà lập pháp và thậm chí cả đảng cầm quyền. Một nhóm nghị sĩ của đảng Dân chủ tự do cầm quyền cho rằng, chính phủ phải nhanh chóng khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.

Hiện chỉ có 6 trong tổng số hơn 30 nhà máy điện hạt nhân của nước này hoạt động, chiếm 3,7% năng lượng tiêu thụ vào năm 2020, giảm so với mức 26% vào năm 2010. Nhật Bản nghèo tài nguyên, nhập khẩu phần lớn năng lượng và Nga là nhà cung cấp dầu, khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn thứ năm của nước này.

Ngay cả các quốc gia vùng Vịnh có trữ lượng dầu khí hàng đầu thế giới cũng mở rộng các nhà máy điện hạt nhân. Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Emirates của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho biết, lò phản ứng số 2 của nhà máy điện hạt nhân Barakah hoạt động từ ngày 25-3 (lò số 1 hoạt động từ tháng 4-2020) đã nâng tổng sản lượng điện do nhà máy điện hạt nhân này sản xuất lên 2.800MW.

UAE trở thành quốc gia đầu tiên trong thế giới Arab vận hành nhà máy điện hạt nhân, là một phần trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế và ít phụ thuộc hơn vào doanh thu dầu khí. Một số quốc gia khác trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập,  Saudi Arabia, Jordan cũng đã và đang hoàn thành các nhà máy điện hạt nhân.

Theo các chuyên gia, năng lượng hạt nhân là một trong những phương pháp sạch nhất và hiệu quả nhất để sản xuất điện năng. Mặc dù quá trình phân hạch hạt nhân tạo ra chất thải nguy hiểm, nhưng việc đổi mới công nghệ và đầu tư nhiều hơn sẽ làm tăng hiệu quả xử lý chất thải. Các cuộc khủng hoảng gần đây càng nhấn mạnh bản chất mong manh của nền kinh tế dựa vào nhiên liệu hóa thạch.

Tin cùng chuyên mục