Lựa chọn ĐBQH đại diện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tiến hành vào ngày 23-5-2021. Vừa qua, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất nhằm thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV. 
Lựa chọn ĐBQH đại diện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân

Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với bà Bùi Thị Thanh (ảnh), nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, xung quanh sự chuẩn bị cho công tác bầu cử.

* PHÓNG VIÊN: Thưa bà, tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vẫn còn băn khoăn nhiều vấn đề?

* Bà BÙI THỊ THANH: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 1193 ngày 23-1-2021 dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV. Theo đó, số lượng ĐBQH ở Trung ương là 207 và số lượng ĐBQH ở địa phương 293 đại biểu. Có thể thấy, số lượng ĐBQH chuyên trách đã tăng lên nhiều; số lượng ĐB ở các cơ quan hành pháp trong Quốc hội khóa XV đã giảm so với khóa XIV, đồng thời cũng giảm đều ở các cơ quan. 

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đồng tình cao với chủ trương tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách. Tuy nhiên, Đoàn Chủ tịch cũng có một số băn khoăn như  tỷ lệ số lượng ĐBQH trong các cơ quan hành pháp vẫn còn cao, đặc biệt là ở Văn phòng Chủ tịch nước; số lượng ĐBQH của khối mặt trận và các tổ chức thành viên thì giảm xuống. Quốc hội của một nhà nước do dân, vì dân theo chủ trương của Đảng, cũng như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thì số ĐBQH cho các cơ quan của mặt trận và các tổ chức thành viên phải được quan tâm hơn.

Cùng với đó, cần phải tăng tỷ lệ ĐBQH là người ngoài Đảng. Chúng ta đều biết có rất nhiều người tiêu biểu ngoài Đảng có thể tham gia vào Quốc hội để đóng góp các quyết sách lớn của đất nước cũng như xây dựng thể chế, luật pháp. 

Lần đầu tiên có một hội nghị hiệp thương mà Chủ tịch Quốc hội lên tiếp thu ý kiến của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, đã rất cởi mở, chân tình, thể hiện sự nghiêm túc tiếp thu có điều chỉnh những ý kiến của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Vì thế, tôi rất tin tưởng Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sớm điều chỉnh số lượng cơ cấu thành phần ĐBQH khóa XV phù hợp với chủ trương chung cũng như bảo đảm được nguyện vọng của nhân.

* Chúng ta khẳng định không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, vậy theo bà, tiêu chuẩn của ĐBQH cần phải được bảo đảm như thế nào?

* Đối với ĐBQH, trách nhiệm của họ đối với Đảng, với dân rất quan trọng. ĐBQH phải nói được tiếng nói của người dân, phản ánh được mọi ý kiến của người dân trong quá trình xây dựng luật pháp, chính sách; phải bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Người dân đi bầu, chọn ra những ĐBQH mà họ tin tưởng là với mong mỏi ĐBQH sẽ đại diện được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Do đó, nếu chúng ta chỉ quan tâm đến số lượng, cơ cấu mà không quan tâm thỏa đáng tiêu chuẩn thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng ĐBQH. Chất lượng ĐBQH, theo tôi, đầu tiên ĐB phải là người có tâm, khi thấy được sự thật, biết rõ sự thật thì phải dám nói lên sự thật, đó mới là điều mà người dân trông chờ.

* Thưa bà, Quốc hội khóa XIV có một số ĐBQH bị bãi nhiệm tư cách ĐB. Vậy theo bà, công tác hiệp thương, lựa chọn người ra ứng cử ĐBQH lần này phải tiến hành thận trọng thế nào để không xảy ra tình trạng tương tự?

* Để xảy ra sự việc đó có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản theo tôi là trách nhiệm cá nhân trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, khai báo, báo cáo tất cả những nội dung liên quan đến hồ sơ, lý lịch của mình đối với Hội đồng bầu cử Trung ương và địa phương.

Do đó, trong lần bầu cử này các cơ quan tổ chức bầu cử cần phải giám sát, xem xét thật chặt chẽ hồ sơ, lý lịch cũng như các nội dung khác liên quan đến người ứng cử ĐBQH. Mặt khác, đối với những cá nhân không thành khẩn khai báo thì chúng ta cũng cần có biện pháp để phát hiện, xử lý kịp thời hơn nữa, tránh tình trạng gần hết nhiệm kỳ chúng ta mới phát hiện thì quá muộn, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Quốc hội, ĐBQH.

Tin cùng chuyên mục