Lựa chọn chính sách

Chiều 10-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trong đó, có các chỉ tiêu chủ yếu như: tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%... Đây là những chỉ tiêu đầy thách thức đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn.

Năm 2022, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, nhiều điểm sáng với 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, ước tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%; CPI tăng khoảng 4%, đạt mục tiêu đề ra... Ổn định vĩ mô được duy trì, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong bối cảnh chịu áp lực lớn từ diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, kinh tế vi mô đang bộc lộ những điểm đáng lo ngại: 10 tháng, có 122.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2021 và bằng 68% số doanh nghiệp tham gia thị trường; các thị trường xăng dầu, chứng khoán, bất động sản... bộc lộ những bất ổn, khó khăn; việc nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát khiến lãi suất cho vay tăng làm doanh nghiệp khó tiếp cận vốn hơn...

Trong khi, một số chính sách hỗ trợ chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Đơn cử, mục tiêu trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên. Song, lãi suất không giảm mà có xu hướng tăng. 

Tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng.

Ở trong nước, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; giá nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất - kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng... Những khó khăn của năm 2022 được nhận diện nêu trên đã đặt ra nhiều thách thức về tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và lựa chọn chính sách năm 2023.

Nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 mà Quốc hội yêu cầu là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong đó, Chính phủ điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát; tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống; điều hành chủ động, linh hoạt công cụ lãi suất, tỷ giá, phù hợp và sát với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội; đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng…

Qua hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, “sức khỏe” của doanh nghiệp bị bào mòn, mang đến những rủi ro, thách thức cho tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát có thể tăng nhanh hơn dự báo; giá lương thực, thực phẩm có thể tăng lên.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng cơ cấu tín dụng hợp lý trong năm 2023 và có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai có hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2%; các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh.

Chính sách tài khóa còn dư địa và cần tiếp tục duy trì hỗ trợ nhưng bảo đảm có hướng đích và có mục tiêu. Đồng thời, Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chính sách hỗ trợ theo đúng kế hoạch đề ra để đầu tư công thực sự là đòn bẩy, “vốn mồi” giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Tin cùng chuyên mục