Lũ vượt báo động 2, nhiều nơi ngưng xuống giống lúa thu đông

Những ngày qua nước lũ ở ĐBSCL tiếp tục ở mức cao và lũ đang chảy mạnh về vùng Tứ giác Long Xuyên sau khi xả 2 đập tràn Trà Sư và Tha La.
Lũ lên cao gây ngập nhiều nơi ở An Giang
Lũ lên cao gây ngập nhiều nơi ở An Giang

Chiều 5-9, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, mực nước lũ cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu đạt 4,0m (ở mức BĐ2); trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,55m (trên BĐ2 là 0,05m). Trong 1-2 ngày tới, mực nước sông Cửu Long biến đổi chậm sau đó lên lại. Đến ngày 9-9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu dự báo lên mức 4,2m (trên BĐ2 là 0,2m); tại Châu Đốc lên mức 3,75m (trên BĐ2 là 0,25m)…

Tại Đồng Tháp, những ngày qua lũ đã làm thiệt hại hơn 47 ha lúa thu đông và lúa mùa của người dân ở các huyện vùng lũ. Ngoài ra, còn có hơn 130 ha rau màu nằm ngoài đê bao bị thiệt hại. 

Hiện tại, toàn tỉnh còn hơn 11.000 ha lúa hè thu đã chín nhưng chưa thu hoạch; ngành nông nghiệp và chính quyền tích cực gia cố đê bao bảo vệ không cho nước lũ tràn vào. 

Người dân huyện Tri Tôn (An Giang) bơm rút nước ra ngoài Kênh Vĩnh Tế để bảo vệ lúa thu đông

Đối với lúa thu đông, nông dân các huyện Thanh Bình, Tam Nông, Tháp Mười, Cao Lãnh… đã xuống giống khoảng 111.000 ha lúa, trong đó này có khoảng 13.600 ha lúa có nguy cơ bị lũ đe dọa. Vì vậy, người dân và ngành chức năng theo dõi chặt diễn biến của lũ để ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại. 

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Đồng Tháp, tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp và dự báo mực nước lũ còn lên cao; trong đó cần đề phòng nguồn nước từ Campuchia… đổ về mạnh, các địa phương cần chủ động ứng phó nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp. 

Lũ vượt báo động 2, nhiều nơi ngưng xuống giống lúa thu đông ảnh 2
Khẩn trương gia cố đê bao bảo vệ lúa thu đông 

Đối với các điểm trường học ở vùng lũ thì chưa có điểm trường nào bị ngập nước, nhưng một số tuyến đường nông thôn bị ngập lũ khiến hàng trăm học sinh phải đi học bằng phương tiện thủy.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các sở ngành, các huyện… theo dõi chặt diễn biến lũ để có phương án bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân; tổ chức lực lượng trực tại các điểm cứu hộ, cứu nạn. 

Dự báo nước lũ diễn biến phức tạp, nên hiện nay ngành chức năng khuyến cáo nông dân không tiếp tục xuống giống vụ thu đông, chỉ nên xuống giống ở những nơi đảm bảo an toàn tuyệt đối. 

Nước lũ lên cao, ngành chức năng khuyến cáo nông dân ngưng xuống giống lúa thu đông

Đối với các diện tích lúa và rau màu bị thiệt hại vừa qua, các ngành, các huyện… cần rút kinh nghiệm và ứng phó tốt hơn trong thời gian tới. Ngoài ra, tính toán chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp.

Tại Long An, ngành chức năng dự báo đến ngày 15-9, mực nước lũ tại các trạm như Tân Hưng có thể đạt trên mức 3,00m, Vĩnh Hưng đạt trên mức 2,70 m, Mộc Hoá đạt mức 1,70m; (cao hơn 0,40 - 0,80m so cùng kỳ 2017). Đỉnh lũ chính vụ 2018 xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10-2018 với mức cao hơn 0,40 - 0,80m so đỉnh lũ năm 2017. 

Đến nay, nông dân Long An đã thu hoạch khoảng 140.567 ha/152.000 ha lúa hè thu, đạt 92%; số diện tích còn lại khoảng 11.365 ha, dự kiến giữa tháng 9-2018 sẽ thu hoạch xong. Trong đó, có khoảng 1.500 ha lúa hè thu có khả năng bị ảnh hưởng lũ do bờ bao còn thấp hoặc chưa khép kín (chủ yếu ở huyện Thạnh Hóa). 

Đối với lúa thu đông, đến nay toàn tỉnh Long An đã gieo sạ hơn 22.586 ha (bình quân khoảng 60 ngày tuổi). Trong đó, có khoảng 15.486 ha nằm trong đê bao; số diện tích còn lại có khả năng bị ảnh hưởng lũ khoảng 7.100 ha. 

Hiện các địa phương đang tích cực gia cố bờ bao, đê bao, chống lũ bảo vệ lúa...

Tin cùng chuyên mục