Lòng trắc ẩn đang bị lợi dụng

Đã đến lúc cần “dọn dẹp” mạnh mẽ và quyết liệt để thanh lọc và trả lại cho hoạt động từ thiện cũng như những người làm từ thiện chân chính môi trường sạch sẽ, không vấy bẩn, để niềm tin vào điều thiện lành và tử tế không bị rơi rụng, để đạo lý tương thân tương ái đầy nhân văn của dân tộc luôn mãi lung linh và tỏa sáng!

Niềm tin vào điều tốt đẹp, sự tử tế, lòng trắc ẩn lại một lần nữa bị lợi dụng. Mới đây, Thanh tra Sở TT-TT TPHCM ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ thể sử dụng trang fanpage “Giang Kim Cúc và các cộng sự” vì phát sóng trực tiếp (livestream) sai sự thật vụ việc bà ngoại rút ống thở của cháu. Sau câu chuyện bác sĩ Khoa gây rúng động dư luận, thì sự việc lần này, xuất phát từ một nhóm thiện nguyện được cho là hoạt động chuyên nghiệp, càng khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn.

Trang fanpage “Giang Kim Cúc và các cộng sự” được giới thiệu là tổ chức phi lợi nhuận với một trong những dự án thiện nguyện nổi bật là Quỹ từ thiện mai táng 0 đồng. Trước đó, vào ngày 2-9, một người dân đã liên hệ trang “Giang Kim Cúc và các cộng sự” để thông tin có một người tử vong tại bệnh viện nhưng không được hỗ trợ. Nhóm này đã đến bệnh viện livestream, cho rằng bà ngoại nạn nhân là người rút ống thở.

Thông tin livestream được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, tạo làn sóng phẫn nộ chửi rủa, thóa mạ bà ngoại của người tử vong. Trên thực tế, nạn nhân trong câu chuyện đã tử vong trước khi đến bệnh viện. Bà ngoại nạn nhân là người đã ký vào cam kết “nạn nhân đã tử vong trên đường đến nơi cấp cứu”.

Vào đầu tháng 8, nhóm này cũng từng gây rúng động mạng xã hội khi thực hiện livestream vụ hai cụ bà ở quận 10 tử vong vì Covid-19, trong đó, một thi thể đã bị phân hủy với những lời lẽ mô tả đầy ám ảnh.

Không chỉ thế, trên trang fanpage “Giang Kim Cúc và các cộng sự” rất thường xuyên livestream, chia sẻ hình ảnh hoạt động xử lý thi thể người tử vong của nhóm. Trong đó, có những livestream kéo dài, thậm chí cận cảnh quá trình tẩn liệm... Một người dù can đảm đến mấy khi xem những hình ảnh trên cũng rợn người ám ảnh, chứ chưa nói đến người bình thường, nhất là trẻ nhỏ.

Xã hội luôn cần sự chung tay chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt trong trường hợp này là đưa đoạn đường cuối cùng của đời người đến nơi an nghỉ lại càng đáng quý, bởi nó thể hiện truyền thống “nghĩa tử là nghĩa tận” đầy nhân văn.

Thế nhưng, không thể cứ nhân danh tặng quan tài là được quyền livestream thi thể người xấu số. Đó phải được xem là hành vi gieo rắc sự sợ hãi và nỗi ám ảnh. Chưa kể, hành vi livestream và phát tán trên mạng xã hội như thế đã đi ngược với những giá trị văn hóa trong tâm thức người Việt từ bao đời nay.

Từ vụ “bác sĩ Khoa” đến vụ bà ngoại rút ống thở của cháu cũng như rất nhiều những lùm xùm trong hoạt động từ thiện thời gian qua cho thấy, lòng trắc ẩn đang bị lợi dụng, họ đã bóp méo và biến tướng, tạo nên sự hoang mang, làm xói mòn lòng tin vào những điều tốt đẹp và giá trị nhân văn của cuộc sống. Đặt trong bối cảnh cả nước đang kêu gọi sự đồng lòng, chung tay sẻ chia để cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19 với quá nhiều tổn thương và mất mát, càng cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề.

Đã đến lúc cần “dọn dẹp” mạnh mẽ và quyết liệt để thanh lọc và trả lại cho hoạt động từ thiện cũng như những người làm từ thiện chân chính môi trường sạch sẽ, không vấy bẩn, để niềm tin vào điều thiện lành và tử tế không bị rơi rụng, để đạo lý tương thân tương ái đầy nhân văn của dân tộc luôn mãi lung linh và tỏa sáng!

Tin cùng chuyên mục