Lòng nhiệt huyết không có tuổi

Được trui rèn, thử thách trong 2 cuộc kháng chiến, nhiều người đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng các hội viên Câu lạc bộ (CLB) Truyền thống kháng chiến TPHCM vẫn giữ ngọn lửa nhiệt thành, hăng say cống hiến, tham gia hoạt động xã hội giúp đỡ cộng đồng.
Bà Đoàn Lê Phong vẫn không ngừng tra cứu tài liệu, chăm lo công tác hội đoàn
Bà Đoàn Lê Phong vẫn không ngừng tra cứu tài liệu, chăm lo công tác hội đoàn

Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc

Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TPHCM), bà Đoàn Lê Phong, Phó Ban Thường trực Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM, sôi nổi kể về “thời hoa lửa” của đồng đội và chính mình. Bà kể về cuộc đời cách mạng của mình và những kỷ niệm đầy tự hào nhưng cũng rất bi thương. Ở tuổi 14, bà thoát ly gia đình lên chiến khu tham gia hoạt động cách mạng. Tròn 18 tuổi, bà được phân công vào Đội bảo vệ Bộ Tư lệnh Tiền phương tiến vào nội thành trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Sau nhiều ngày quần nhau với địch, chiều 1-2-1968 (mùng 4 Tết), tổ chiến đấu của bà củng cố lại công sự tại góc đường Tân Phước (quận 10). Trận địa bỗng im bặt tiếng súng, anh Nguyễn Minh Hoàng nói bà đứng lên quan sát mục tiêu. Bà chưa kịp đứng dậy, anh Hoàng vươn mình lên quan sát thì bất ngờ viên đạn từ phía đối diện bắn vào ngực. Liệt sĩ Nguyễn Minh Hoàng ngã vào vòng tay đồng đội. Rơi vào thế yếu, tổ chiến đấu mang theo liệt sĩ Nguyễn Minh Hoàng vừa đánh vừa tìm đường rút lui.

Trở lại hiện tại, bà Đoàn Lê Phong cho biết, sau khi thôi làm việc ở Viện Bảo tàng TPHCM, được nhà nước cho nghỉ hưu vào năm 2006, đến nay bà vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ. Ngoài nhiệm vụ Phó Ban Thường trực Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM, bà còn chăm lo 7 mái ấm trực thuộc Hội Phụ nữ Từ thiện TPHCM.

Không riêng bà Phong, nhiều hội viên CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM dù tuổi đã cao nhưng vẫn giữ ngọn lửa nhiệt huyết, hăng say cống hiến. Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến phường 22 (quận Bình Thạnh) Nguyễn Văn Dụ vẫn ngày ngày sát cánh cùng các hoạt động của chính quyền địa phương. Ngoài những hoạt động thiện nguyện, về nguồn như thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ đồi 82 Tân Biên (tỉnh Tây Ninh), các di tích lịch sử Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), ông Dụ cùng các hội viên vận động người dân thực hiện nâng cấp 3 hẻm bê tông nhựa. Để giữ gìn vệ sinh khu phố, ông cùng mọi người xây dựng hàng rào ngăn đổ rác xuống kênh rạch. Ông còn cùng cán bộ trẻ của các ban ngành, đoàn thể trong phường đi từng nhà để vận động người dân đồng ý giải tỏa nhà, giao mặt bằng cho đơn vị thi công xây dựng cầu Thủ Thiêm, mở rộng đường Nguyễn Hữu Cảnh...

Nhà báo Ngô Quỳnh Lan, Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến khối nhà báo cao tuổi, vẫn ngày đêm nhiệt thành đeo đuổi ý nguyện hoàn thành các tập hồi ký “Một thời làm báo” của mình. Các nhà báo trong CLB từng đêm lật từng tài liệu, miệt mài với con chữ để ghi lại một thời oanh liệt, đẫm máu và nước mắt để truyền lửa nghề cho thế hệ mai sau. Theo nhà báo Ngô Quỳnh Lan, đến thời điểm này, CLB đã cho ra đời 19 tập hồi ký “Một thời làm báo”. Nhiều trang sách của các nhà báo lão thành như Nguyễn Trọng Xuất, Vũ Hạnh… được viết trên giường bệnh, trong bệnh viện. Các nhà báo hăng say làm việc cho đến giờ phút cuối cùng.

Truyền lửa cho thế hệ trẻ

Điều để lại ấn tượng đối với chúng tôi là phần lớn hội viên CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM đều đã tuổi cao, sức khỏe hạn chế, đi lại khó khăn nhưng trí tuệ vẫn tinh anh, mẫn tiệp. Ở tuổi “xưa nay hiếm”, các hội viên CLB không chịu ngồi nhà nghỉ ngơi mà xung kích tham gia các hoạt động xã hội, truyền lửa cho thế hệ trẻ.

Bà Đoàn Lê Phong chia sẻ, đã gần 20 năm nay, công việc trong ngày được bà chia đều, phân nửa dành cho Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM, phần thời gian còn lại gắn bó với những đứa trẻ ở các mái ấm của Hội Phụ nữ Từ thiện TPHCM. Hiện nay 7 mái ấm đang nuôi dạy và chăm sóc 158 em nhỏ. Từ những mái ấm này, hàng ngàn đứa trẻ sinh ra kém may mắn đã lớn khôn, trưởng thành.

Với ông Nguyễn Văn Dụ, tuổi già của ông còn có thêm niềm đam mê là kể chuyện truyền thống cho thanh niên, học sinh. Nhiều năm nay, CLB Truyền thống kháng chiến phường 22 (quận Bình Thạnh) ký kết với Đoàn phường và các trường tổ chức các buổi kể chuyện về gương anh hùng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong các ngày lễ lớn. Chỉ riêng tại các trường, mỗi năm những buổi nói chuyện thu hút hàng ngàn lượt học sinh tham gia.

Còn 3.900 cuốn của tập hồi ký “Một thời làm báo” mới đây đã được thế hệ trẻ Thành đoàn TPHCM và nhiều tỉnh, thành trên cả nước đón đọc. CLB Truyền thống kháng chiến khối nhà báo cao tuổi vừa tổ chức phát hành sách và tổ chức các buổi giao lưu truyền lửa cho các thế hệ nhà báo trẻ của Đài Truyền hình TPHCM, Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình 2; phối hợp với CLB khối phát thanh - truyền hình thành lập đội báo cáo viên, với 12 thành viên chuyên đi đến các đơn vị để truyền lửa nghề, tinh thần nhiệt huyết cách mạng cho đoàn viên, thanh niên, các nhà báo trẻ.

Đội văn nghệ “Hoa hướng dương” với những tiết mục ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi Đảng và nghề báo vinh quang đã trở thành “thương hiệu” của CLB Truyền thống kháng chiến khối nhà báo cao tuổi. Trong những ngày cả thành phố gồng mình chống đại dịch Covid-19, đội đã biểu diễn ở các quận, huyện và bệnh viện dã chiến TP Thủ Đức. “Ngọn lửa nghề vẫn cháy trong những nhà báo cao tuổi - những người trui rèn trong chiến tranh, nay hăng say cống hiến cho xã hội, cộng đồng”, nhà báo Ngô Quỳnh Lan tự hào.

Tin cùng chuyên mục