Long An phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong hai chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (2016-2020) và XI (2021-2025).

Chương trình này nhằm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. 

Cấy lúa bằng máy ở huyện Thủ Thừa, Long An

Ứng dụng công nghệ cao ít hao chi phí

Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện, với sự tập trung quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chương trình đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản của bà con nông dân ở Long An. Nhiều địa phương đã chuyển đổi phương thức sản xuất, hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung với quy mô lớn, chuyên canh gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị gia tăng…

Ông Nguyễn Văn Bình ở xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, cho biết, nhà ông có 5ha lúa. Trước đây hì hục làm quanh năm nhưng không có lời bao nhiêu, thậm chí có năm bị lỗ do thất mùa, rớt giá. Nhưng mấy năm gần đây, nhờ được hướng dẫn cách làm mới, ứng dụng cơ giới hóa từ khâu gieo cấy, bón phân, phun thuốc đến thu hoạch nên giảm rất nhiều chi phí sản xuất (từ 3-7 triệu đồng/ha), nhờ vậy vụ nào cũng có lời. Nhờ đó cuộc sống của gia đình ông đỡ hơn trước rất nhiều. Ông Nguyễn Kinh Kha, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thạnh Hóa, cho biết: “Diện tích trồng lúa trên địa bàn huyện Thạnh Hóa thực hiện 100% cơ giới hóa trong các khâu sản xuất. Hiện địa phương đang đẩy mạnh ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp trên cây lúa, cây chanh, vì thời gian qua có hiệu quả tích cực”. Cũng theo ông Kha, việc trồng lúa áp dụng cơ giới hóa đồng bộ sẽ tăng năng suất 10-20% trên 1 đơn vị diện tích, đồng thời giảm chi phí đầu vào 2-3 triệu đồng/ha/vụ. Việc áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng CNC vào sản xuất cũng góp phần giảm công lao động, giống, thuốc bảo vệ thực vật, nhưng tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Long An hiện là địa phương đứng thứ tư khu vực ĐBSCL về sản lượng lúa, với gần 3 triệu tấn/năm. Hiện Long An đã có gần 30.000ha lúa ứng dụng CNC (kế hoạch là 60.000ha), trong đó, trên 11.500ha ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và kỹ thuật tiên tiến. Có thể nói, qua triển khai xây dựng mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất lúa, người dân trong vùng thấy được hiệu quả của việc dùng giống lúa xác nhận, ưu điểm của việc giảm lượng giống trong gieo sạ, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ gieo cấy, bón phân, phun thuốc, thu hoạch đã góp phần giảm chi phí sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế (lợi nhuận tăng 2-7 triệu đồng/ha). Đặc biệt là khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động ở nông thôn hiện nay, nhất là vào mùa thu hoạch lúa.

Chuyển đổi cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế

Để nâng cao giá trị trên từng đơn vị đất sản xuất nông nghiệp, Long An đang rà soát, bổ sung quy hoạch chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, chú trọng xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP…

Ông Bùi Quốc Bảo, Bí thư Huyện ủy Tân Thạnh, cho biết, bà con nông dân ở Tân Thạnh đã chuyển đổi hơn 1.000ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái chuyên canh như sầu riêng cơm vàng hạt lép, bưởi da xanh, chanh không hạt, mít Thái… Nhiều nông dân cũng mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chuyển đổi cây trồng trên vùng đất phèn Tân Thạnh, nhờ vậy mà bà con có thu nhập tăng gấp nhiều lần so với trồng lúa. Bước đầu đã có 5/14 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp liên kết với Tập đoàn Lộc Trời sản xuất lúa ứng dụng CNC theo tiêu chuẩn VietGAP. Còn trên cây ăn quả, hiện có HTX FreshFruit Tân Thạnh liên kết với Công ty The Fruit Republic Cần Thơ sản xuất và tiêu thụ chanh không hạt.

Ông Lê Văn Tại, Giám đốc HTX nông nghiệp Resfuot Tân Thạnh (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh), cho biết: “Qua mấy năm, vùng đất phèn Tân Thạnh nay đã chuyển mình và ngày càng phát triển mạnh khi bà con biết ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn trái đặc sản. Hiện nay, HTX đang hướng nhà vườn canh tác cây bưởi, cây chanh theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ để bán sang thị trường Châu Âu”. 

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho biết: “Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được và tiếp tục nâng cao chất lượng Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 có bổ sung, mở rộng một số nông sản chủ lực nhằm phát huy lợi thế và phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra”.

Mục tiêu của chương trình đến năm 2025, diện tích ứng dụng CNC, tiên tiến đối với cây lúa là 60.000ha (hiện đạt 30.000ha), thanh long 6.000ha (hiện gần 4.000ha), rau 2.000ha (hiện 1.800ha), cây chanh 3.000ha (295ha), tôm nước lợ 100ha (hiện 10 ha); xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC (7 vùng lúa, 1 vùng chanh, 1 vùng thanh long) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, phấn đấu lợi nhuận của người dân trong vùng triển khai chương trình tăng ít nhất 10% so với ngoài vùng; củng cố THT, HTX hiện có và thành lập mới ở những nơi đủ điều kiện. Đến năm 2025, ít nhất 50% HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC hoạt động có hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục