Lời tri ân tháng bảy

Trong những ngày “tháng bảy tri ân”, cựu chiến binh Nguyễn Văn Trọng (quận Bình Thạnh) đã gửi bức tâm thư cảm ơn về tinh thần phục vụ của nhân viên y tế (NVYT) Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Sinh viên ngành y tại TPHCM tình nguyện tham gia chống dịch Covid-19 đang nhập liệu tại điểm cách ly vào tháng 7-2021. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Sinh viên ngành y tại TPHCM tình nguyện tham gia chống dịch Covid-19 đang nhập liệu tại điểm cách ly vào tháng 7-2021. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Bức tâm thư như liều thuốc tinh thần quý báu dành cho tất cả y bác sĩ của thành phố. Sự ghi nhận và động viên này càng mang ý nghĩa sâu sắc khi được viết vào những ngày tháng bảy bởi người cựu chiến binh, người bộ đội Cụ Hồ.

Nhớ lại những ngày tháng bảy của một năm về trước, đó là những tháng ngày đầy gian nan, thử thách đối với mỗi NVYT. Họ đã cùng với người dân và chính quyền thành phố căng mình chống chọi lại với đại dịch Covid-19, và đã có nhân viên y tế ra đi mãi mãi trong lúc làm nhiệm vụ. Đó là những tháng ngày không thể quên.

Cảm giác lo lắng xuất hiện ngay những ngày đầu tháng sáu khi số ca mắc Covid-19 mỗi ngày tăng cao theo cấp số nhân, trong khi số giường của các bệnh viện dã chiến không kịp đáp ứng; rồi đội ngũ NVYT chuyển sang trạng thái hoang mang thật sự, khi dịch bệnh cứ diễn biến xấu dần theo mỗi ngày của tháng bảy và các tháng tiếp theo.

Số ca trở nặng cứ tăng nhanh mỗi ngày, vượt quá khả năng tiếp nhận cấp cứu của các bệnh viện, tiếng còi xe cấp cứu cứ vang lên khắp thành phố như xé lòng và nhất là khi phải tận mắt chứng kiến số trường hợp tử vong tại các bệnh viện tăng cao dù tất cả NVYT thành phố đã căng sức và nỗ lực hết mình… Tuy không một lời kêu than nhưng trên nét mặt của từng người đã lộ rõ dấu hiệu kiệt sức về thể chất, mệt mỏi về tinh thần và lo lắng về khả năng cầm cự với dịch bệnh.

Vào thời điểm ấy, NVYT thành phố như được tiếp thêm sức mạnh khi đón nhận hàng chục ngàn đồng nghiệp là bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa các trường đại học, các chiến sĩ quân y… đến từ mọi miền đất nước cùng chung sức, cùng gánh vác và chia sẻ công tác chống dịch. Tất cả đã cùng với người dân và chính quyền thành phố chiến đấu không mệt mỏi để kiểm soát được dịch bệnh, đưa cuộc sống bước vào giai đoạn bình thường mới. NVYT TPHCM sẽ nhớ mãi thời khắc ấy, thời khắc tạo nên một dấu ấn lịch sử của ngành y tế thành phố.

Và trong những ngày tháng bảy này, ngành y tế không quên cùng chính quyền và người dân thành phố hướng về các hoạt động tri ân, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022). Rất nhiều hoạt động có ý nghĩa đã và đang diễn ra như: chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; khám chữa bệnh phục vụ người dân trên địa bàn thành phố và các tỉnh bạn, trong đó có các cô chú là thương binh, anh hùng lực lượng vũ trang và thân nhân các gia đình thương binh, liệt sĩ…

Nhận thức được ý nghĩa sâu sắc của Ngày Thương binh - Liệt sĩ để mỗi NVYT cảm nhận như được tiếp thêm sức mạnh, nhất là khi cả ngành y tế thành phố lại phải tiếp tục đứng trước rất nhiều thách thức: đại dịch Covid-19 chưa chấm dứt; dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh với số ca mắc nặng và tử vong không ngừng tăng; một vài dịch bệnh mới trên thế giới đang trở thành mối nguy hại đe dọa sức khỏe con người; các nguy cơ thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, thiếu hụt nguồn nhân lực y tế công lập...

Thấy được những khó khăn và thách thức đó để ngành y tế chủ động có kế hoạch và giải pháp ứng phó, vận dụng các bài học kinh nghiệm qua thực tiễn công tác phòng chống dịch Covid-19, huy động mọi nguồn lực, mạnh dạn nghiên cứu và triển khai thí điểm các giải pháp mang tính đổi mới sáng tạo để chuyển “nguy” thành “cơ”. NVYT thành phố quyết tâm cống hiến hết mình, tất cả hướng đến mục tiêu chung đó là không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân thành phố và người dân khu vực phía Nam. Tất cả đều tin rằng sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, vì bên cạnh ngành y tế luôn có sự động viên, phối hợp và tham gia của người dân và nhất là sự quan tâm hỗ trợ và chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố.

Tin cùng chuyên mục