Lối thoát nào cho hệ thống đại học - cao đẳng tư thục?

Sau 10 năm thực hiện quy hoạch của Chính phủ, tỷ lệ sinh viên học tại các trường ĐH tư thục chỉ chiếm 13,3% và đang có xu hướng suy giảm nghiêm trọng.
GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Thăng Long, thông qua Hiệp hội Các trường đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) Việt Nam, vừa kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về phá sản đối với các trường tư thục, nhưng phải bảo đảm quyền và lợi ích của sinh viên. Kiến nghị này xuất phát từ thực tế hiện nay nhiều trường tư lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Hàng chục trường ĐH tư “chết lâm sàng”
Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập đã có một quá trình phát triển từ Trung tâm ĐH Thăng Long (1988) đến các trường ĐH dân lập (1994) rồi đến các trường ĐH tư thục (2005).
Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT nêu rõ “khuyến khích xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Tăng tỷ lệ trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH. Hướng tới có loại hình cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư”. 
Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH-CĐ giai đoạn 2006-2020 của Chính phủ cũng nêu mục tiêu đến năm 2020 có 30% - 40% sinh viên học tại các cơ sở giáo dục ĐH tư thục.
Tuy nhiên, đến nay sau 10 năm thực hiện quy hoạch của Chính phủ, tỷ lệ sinh viên học tại các trường ĐH tư thục chỉ chiếm 13,3% và đang có xu hướng suy giảm nghiêm trọng.
Lối thoát nào cho hệ thống đại học - cao đẳng tư thục? ảnh 1 Sinh viên Việt Nam giao lưu với sinh viên nước ngoài
Theo con số đăng ký vào các trường ĐH-CĐ năm học 2017-2018, có thể dự báo nhiều trường đang đứng trước nguy cơ không có sinh viên vào học. Một số trường đang có tình trạng bị mua đi bán lại trên bờ vực phá sản.
Người đầu tư hoài nghi lo lắng không muốn tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này. Thực tế, trong số gần 629.000 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ năm 2017, không có thí sinh nào đăng ký vào trường cao đẳng ngoài công lập; 10 trường ĐH ngoài công lập không có thí sinh đăng ký; 26 trường ĐH ngoài công lập chỉ có vài chục đến khoảng 1.000 thí sinh đăng ký; 15 trường có khoảng 1.000 - 2.000 thí sinh đăng ký.
Cả nước chỉ có 9 trường ĐH ngoài công lập là có trên 5.000 thí sinh đăng ký. Tổng cộng hiện có khoảng 36 trường ĐH-CĐ ngoài công lập có nguy cơ cao thiếu thí sinh.
Từ cách đây vài năm, nhiều chuyên gia đã dự báo về khả năng phá sản của các trường ngoài công lập, nếu mạng lưới ĐH-CĐ không được điều chỉnh.
“Ở một tỉnh, thành mà lập đến 2 - 3 trường ĐH công lập, rồi lại thành lập thêm trường ngoài công lập nữa thì trường ngoài công lập sẽ chết lâm sàng nhanh thôi”, GS Hoàng Xuân Sính nói. Hoặc có những trường ĐH được đặt ở vị trí rất không phù hợp, đặt ở chân núi Tam Đảo chẳng hạn. Bên cạnh đó là hàng loạt trường trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên ĐH.
Chỉ nguyên mạng lưới các trường ĐH-CĐ sắp xếp không hợp lý đã “giết” nhiều trường ngoài công lập và cả những ĐH công lập thuộc tỉnh.
Quy hoạch lại mạng lưới, không phân biệt người học công - tư
Khi mạng lưới ĐH-CĐ không khoa học đó đặt các trường ngoài công lập vào tình thế khó khăn thì một số điều trong Luật Giáo dục ĐH chưa rõ ràng, chưa phù hợp tiếp tục gây khó khăn và khiến nhiều trường ngoài công lập “chết lâm sàng”.
Trong đó nổi lên là quy định về tài chính và hội đồng trường, dẫn đến sự hiểu và vận dụng khác nhau, trở thành nguyên nhân cốt lõi làm cho hệ thống ĐH-CĐ tư thục không phát triển.
Đơn cử, về vấn đề tài chính, quy định hiện nay của Luật Giáo dục ĐH dẫn tới suy nghĩ nếu thất bại các nhà đầu tư ở trường ĐH-CĐ tư thục sẽ bị phá sản, mất số tiền đóng góp; còn nếu thành công thì giá trị tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động của các nhà đầu tư lại được hòa vào với tài sản được tài trợ, được ủng hộ để thành một quỹ chung không chia, không còn là tài sản của họ nữa.
“Nếu tiếp tục đóng góp khi thất bại để vượt qua khó khăn, hy vọng sẽ thành công sau này, nhưng khi thành công thì giá trị tích lũy lại thành tài sản chung. Điều này không thể huy động xã hội đóng góp theo tinh thần xã hội hóa của Nghị quyết 29”, GS Hoàng Xuân Sính phân tích.
TS Nguyễn Đình Ngộ, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Phú Xuân, cho rằng đa số ĐH công lập được Nhà nước quan tâm toàn diện cả về tuyển sinh đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, đến xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thiết bị, thư viện, công nghệ… Còn trường ĐH dân lập, ĐH tư thục phải tự lo từ A đến Z, không được Nhà nước hỗ trợ đồng nào, ngược lại còn phải đóng thuế. 
Để tháo gỡ khó khăn, nhiều trường ĐH ngoài công lập đề nghị sửa Luật Giáo dục ĐH tới đây phải xác định rõ quyền sở hữu phần tài sản chung không chia, theo hướng phần tài sản của các nhà đầu tư thuộc quyền của các nhà đầu tư, tài sản xã hội thuộc về xã hội và tài sản của Nhà nước thuộc về Nhà nước.
Sử dụng Luật Doanh nghiệp để quản lý nhà nước đối với tài sản của trường ĐH ngoài công lập. Còn thành viên hội đồng quản trị của trường tư thục cũng phải gồm đại diện phần tài sản của các nhà đầu tư, đại diện của phần tài sản nhà nước, đại diện phần tài sản xã hội (nếu có) cũng như có cả đại diện cả tổ chức Đảng, đoàn thể, ban giám hiệu, giáo chức.
Chính phủ cần sớm quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH-CĐ. Việc quy hoạch cần có lộ trình, có thí điểm và có sự giám sát tối cao của Quốc hội… 
“Tôi đề nghị trường ngoài công lập không phải đóng thuế cho Nhà nước. Các khoản hiến tặng của tổ chức và cá nhân dành cho trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận thì được miễn thuế. Các đầu tư cho hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phục vụ cho hoạt động học tập hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội thì được miễn thuế”, TS Nguyễn Đình Ngộ đề xuất.

Tin cùng chuyên mục