Lợi thì có lợi

Phim chuyển thể từ web drama (phim chiếu mạng) lên màn ảnh rộng dẫu số lượng chưa nhiều nhưng không còn là trào lưu. Nó đang dần hòa vào dòng chảy chính thống của điện ảnh Việt. Đã có những bộ phim đạt doanh thu trăm tỷ đồng, nhưng bài toán chuyển thể này luôn là con dao hai lưỡi.

Theo kế hoạch, từ ngày 25-3, bộ phim Mến gái miền Tây (đạo diễn Võ Đăng Khoa) - phần hậu truyện của web drama Ghe bẹo ghẹo ai sẽ chính thức ra rạp. Trước đó, khi ra mắt năm 2019, phim thu hút gần 30 triệu lượt xem, đồng thời nhận giải thưởng kép Phim chiếu mạng hay nhất do khán giả và hội đồng nghệ thuật bình chọn tại Giải thưởng Ngôi sao xanh 2019. Dịp lễ 30-4 tới, diễn viên Thu Trang trình làng dự án điện ảnh tiếp theo - Nghề siêu dễ (đạo diễn Võ Thanh Hòa). Kịch bản phim ngoài việc được phát triển từ kịch bản gốc Extreme Job - bộ phim đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại của Hàn Quốc, còn có sự pha trộn với Chuyện xóm tui - web drama ăn khách của Thu Trang và Tiến Luật. 

Cả hai bộ phim nói trên sẽ nối tiếp dòng phim được chuyển thể từ web drama, dù số lượng chưa nhiều nhưng đã gặt hái được những thành công lớn tại phòng vé. Pháp sư mù (Lý Minh Thắng, Huỳnh Lập) ra mắt năm 2019 được phát triển từ web drama Ai chết giơ tay thu về 55 tỷ đồng. Bố già bản điện ảnh với nhiều đổi mới so với web drama cùng tên trở thành Phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại với hơn 400 tỷ đồng. 

Lợi thế của việc chuyển thể từ web drama lên phim điện ảnh là điều đã quá rõ ràng, khi thu hút hàng chục triệu lượt xem, bình luận đa chiều và tên tuổi của những nghệ sĩ đứng sau các dự án này. Nhưng không phải ê kíp nào cũng đủ tự tin, dũng cảm để thực hiện giấc mơ điện ảnh. Dù khai thác tiền truyện, hậu truyện hay phát triển dựa trên chính nội dung bản web drama sẵn có, nhưng thách thức và bài toán đặt ra với phiên bản điện ảnh là phải làm mới như thế nào. Phiên bản điện ảnh phải là sự kết tinh, kế thừa có tính chọn lọc hơn là sự chắp vá, sáng tạo vụng về. Điều này trước hết đòi hỏi yếu tố kịch bản và sự đầu tư tương xứng. 

Hiện nay, dù có không ít web drama đủ tiêu chuẩn để chiếu trên màn ảnh rộng nhưng chủ yếu là về mặt kỹ thuật. Lợi thế về con số lượt xem là rõ ràng, nhưng không đồng nghĩa web drama đó có chất lượng tốt và không phải sản phẩm cũng đạt chuẩn điện ảnh. Ranh giới giữa web drama và phim điện ảnh vẫn có những khoảng cách nhất định. Và, để có thành công về doanh thu như những tác phẩm chuyển thể thời gian qua cho thấy sự chỉn chu, tâm huyết, đầu tư tương xứng của mỗi ê kíp.    

Trong bối cảnh điện ảnh Việt luôn thiếu nguồn kịch bản, web drama có thể xem là phép thử để các nhà sản xuất tự tin phát triển thành phiên bản điện ảnh khi đã hội đủ các yếu tố. Nhưng xét cho cùng, cả web drama và điện ảnh chưa bao giờ là cuộc chơi. Bởi đó là “cuộc chiến” bạc tỷ đầy mạo hiểm.

Tin cùng chuyên mục