Lợi thế tiếng Anh khi xét tuyển đại học

Trong các kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) vừa qua, nhiều trường ĐH lớn và những ngành đặc thù, những ngành kỹ thuật công nghệ bắt đầu bổ sung thêm môn tiếng Anh làm tiêu chí xét tuyển. 

Điều này không chỉ giúp các trường thuận lợi trong đổi mới chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế mà còn giúp sinh viên thuận lợi hơn trong học tập, ra trường có cơ hội tìm việc làm, thu nhập cao hơn.

Có chứng chỉ quốc tế là lợi thế 

Theo Đề án tuyển sinh năm 2020 mà Trường ĐH Y Dược TPHCM vừa công bố, trường có 2 phương thức xét tuyển: kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (phương thức 1) và xét tuyển kết hợp với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (phương thức 2).

PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TPHCM, cho biết, phương thức 2 (chiếm 25% chỉ tiêu của từng ngành) áp dụng cho 4 ngành gồm Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược học và Điều dưỡng (năm 2019 chỉ có ngành Y khoa và Dược học). Thí sinh đủ điều kiện xét tuyển khi có tổng điểm thi của 3 bài thi/môn thi Toán, Hóa học, Sinh học hoặc Toán, Vật lý, Hóa học và các điểm ưu tiên (nếu có) bằng hoặc trên mức điểm tối thiểu ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) do Bộ GD-ĐT xác định; có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) đạt IELTS 6,0 trở lên, hoặc TOEFL iBT 60 trở lên.

Nhà trường sẽ kiểm tra chứng chỉ tiếng Anh quốc tế bản gốc khi thí sinh nhập học, nếu thí sinh không đảm bảo điều kiện như quy định sẽ bị loại ra khỏi danh sách trúng tuyển. Thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống theo quy định và bổ sung hồ sơ trực tiếp tại trường (bản sao chứng thực chứng chỉ tiếng Anh quốc tế), không qua bưu điện hay các hình thức khác; dự kiến từ ngày 24-8 đến 26-8-2020. Điểm trúng tuyển của phương thức 2 không được thấp hơn điểm trúng tuyển ở phương thức 1 trong cùng một ngành là 2 điểm.

Lợi thế tiếng Anh khi xét tuyển đại học ảnh 1 Mô tả ảnh

Tương tự, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM quy định điều kiện đăng ký xét tuyển vào ngành Khúc xạ nhãn khoa là điểm kỳ thi THPT môn tiếng Anh đạt từ điểm 7.0 trở lên (phải học các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh do giảng viên nước ngoài trực tiếp giảng dạy). Đồng thời trường cũng đã công bố tiêu chuẩn phụ dùng để xét tuyển nếu thí sinh đồng điểm, theo thứ tự sau: đầu tiên là điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 môn Ngoại ngữ; điểm trung bình chung lớp 12 THPT; điểm thi tốt nghiệp THPT môn Văn. 

Trong khi đó, tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) có 18 ngành trong chương trình đào tạo chất lượng cao và tiên tiến thì 9 ngành liên kết quốc tế với điều kiện đầu vào là thí sinh phải có IELTS ≥ 6.0 hoặc TOEFL iBT ≥ 79. Tổng chỉ tiêu cho chương trình này chiếm từ 1%-5% tổng chỉ tiêu năm 2020.

Hay như Trường ĐH Ngoại thương có 5 phương thức xét tuyển, trong đó 2 phương thức xét tuyển kết hợp: chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên, áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và ngôn ngữ thương mại (dự kiến xét tuyển trong tháng 6-2020); chứng chỉ tiếng Anh với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (điều kiện tiếng Anh phải đạt IELTS từ 6,5 điểm trở lên). 

Tín hiệu đáng mừng

PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TPHCM, cho biết, điều kiện tiếng Anh không chỉ cần thiết ở đầu vào mà cả quá trình đào tạo lẫn khi sinh viên ra trường hay muốn học lên cao. Trong quá trình đổi mới chương trình đào tạo, cập nhật liên tục thì nhiều ngành bắt buộc sinh viên cần có năng lực ngoại ngữ để học tập, tra cứu tài liệu. Tuy nhiên, nhà trường sẽ tiến hành hậu kiểm và xác minh các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Ngay cả khi sinh viên trúng tuyển mà chứng chỉ không đúng với quy định hoặc giả mạo thì thí sinh sẽ bị loại.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho rằng, ngày càng có nhiều ngành xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh là tín hiệu rất tốt, bởi hiện nay, khoa học kỹ thuật phát triển nhanh, kiến thức ở một số lĩnh vực cập nhật mới liên tục nên sinh viên không có tiếng Anh không thể theo kịp, thậm chí khi ra trường không đủ trình độ tiếng Anh cũng khó đáp ứng yêu cầu công việc. 

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, đưa tiếng Anh làm tiêu chí xét tuyển là lựa chọn đúng đắn để góp phần cải thiện khả năng làm việc của sinh viên trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, các trường phải có sự cân nhắc về chỉ tiêu vì có thể tạo ra sự không công bằng giữa các thí sinh ở những vùng khó khăn. Do đó, ngoài việc cân đối chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển có tiêu chí tiếng Anh, các trường có thể có chính sách lấy điểm chuẩn tiếng Anh thấp hơn đối với thí sinh ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Tin cùng chuyên mục