Lối mở cho sầu riêng Bình Phước

Sau hơn 2 năm đàm phán, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu (XK) từ Việt Nam sang Trung Quốc được Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) ký kết ngày 11-7-2022, có hiệu lực ngay sau ký. Hiện chính quyền cùng nhà nông tại tỉnh Bình Phước đang hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết nhằm mở rộng thị trường, từng bước nâng cao giá trị cho loại trái cây này.

Sẵn sàng xuất khẩu chính ngạch

Công ty TNHH Minh Hàng ở xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng là một trong số ít doanh nghiệp (DN) của Bình Phước mạnh dạn đầu tư nhà máy chế biến và XK sầu riêng. Năm 2021, DN này đã XK hơn 4.000 tấn sầu riêng cấp đông, trong đó có XK tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Ông Lưu Lý Hoàng, Giám đốc quản lý đầu vào Công ty Minh Hàng, cho biết: “XK tiểu ngạch, DN phải tốn chi phí thấp nhất 700-800 triệu đồng mỗi container sầu riêng, còn XK chính ngạch, chi phí sẽ giảm hàng trăm triệu đồng mỗi container. Điều đó giúp DN và nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại trái cây đặc sản này”.

Để sẵn sàng cho việc XK sầu riêng chính ngạch, công ty đã nâng công suất chế biến đóng gói lên 70 tấn cơm sầu riêng/ngày (tương đương 140 tấn sầu riêng tươi), đồng thời đầu tư kho cấp đông bằng nitơ nhằm tăng cường công tác bảo quản sầu riêng, đạt độ lạnh tới âm 100oC. 

Tương tự, HTX Long Phú (xã Long Tân, huyện Phú Riềng) là một trong các HTX được Sở NN-PTNT tỉnh chọn làm điểm cho trái sầu riêng Bình Phước XK sang Trung Quốc.

Lối mở cho sầu riêng Bình Phước ảnh 1 Bà con nông dân ở huyện Bù Đăng, Bình Phước thu hoạch sầu riêng

“Không phải bây giờ chúng tôi mới chuẩn bị cho mã vùng trồng, mà từ trước, HTX đã chuẩn bị tất cả để đảm bảo theo tiêu chuẩn XK. Trước đây, HTX từng thông qua các đơn vị trung gian để XK sầu riêng. Tuy nhiên vừa qua, Bộ NN-PTNT, Cục Bảo vệ thực vật làm việc với phía Trung Quốc đã làm mã vùng trồng cho tất cả HTX và người trồng sầu riêng có đủ điều kiện. HTX tác xã sầu riêng Long Phú là một trong những đơn vị của Bình Phước được chọn làm thủ tục nên chúng tôi rất vui. Hiện hầu hết vườn sầu riêng của HTX đạt 5-7 năm tuổi, tổng sản lượng dự kiến các niên vụ tới khoảng 1.000 tấn/năm, nếu xuất được sẽ có nhiều bà con xin tham gia, diện tích và sản lượng sẽ còn tăng. Hiện HTX đang xây dựng kho cấp đông để đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu”, ông Nguyễn Hữu Năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX sầu riêng Long Phú, nói. Hiện HTX đang hoàn tất các thủ tục, giấy tờ cần thiết để sầu riêng có thể XK sang Trung Quốc một cách thuận lợi nhất.

Phát triển 7.000-10.000ha sầu riêng phục vụ xuất khẩu

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, cho biết, hiện tỉnh có trên 3.400ha sầu riêng, trong đó, gần nửa diện tích đang được cấp mã vùng để hướng đến XK. Để chuẩn bị cho XK chính ngạch, sở đã chuẩn bị khá sớm. Thứ nhất, tuyên truyền, vận động bà con thành lập HTX, tổ hợp tác để cấp mã vùng trồng. Kế đến, tổ chức tập huấn kỹ thuật, tập huấn về các điều kiện, thủ tục để tham gia cấp mã vùng trồng cho bà con.

Theo định hướng, Bình Phước sẽ phát triển khoảng 10% diện tích sầu riêng so với cả nước, từ hơn 3.400ha hiện nay sẽ phát triển thêm 7.000-10.000ha. Để đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định, địa phương phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, bằng liên kết sản xuất, hỗ trợ về kỹ thuật và xây dựng vùng chuyên canh lớn để phục vụ XK. Hiện địa phương thực hiện trước 15 vùng trồng, 1 cơ sở đóng gói để mở đường cho sầu riêng xuất đi Trung Quốc, sau đó sẽ rà soát, đánh giá lại khả năng từng HTX, tổ hợp tác, từ đó có những bước tiếp theo để trái sầu riêng của tỉnh sớm XK sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác”.

Theo Nghị định thư vừa ký kết ngày 11-7-2022, Trung Quốc yêu cầu tất cả vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói sầu riêng XK sang nước này phải đăng ký với Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt. Thông tin đăng ký gồm tên, địa chỉ và mã số, để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.

Tất cả vùng trồng đã đăng ký XK sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), đảm bảo các điều kiện vệ sinh vườn trồng và cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ ngay quả rụng và thối hỏng; áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), gồm giám sát sinh vật gây hại, phòng trừ bằng hóa chất hoặc sinh học và biện pháp canh tác khác…

Tin cùng chuyên mục