Lợi, hại khi còn một loại taxi

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi, trong đó, nội dung đáng chú ý, loại hình xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ, hay còn gọi là taxi công nghệ, sẽ được gộp chung với taxi truyền thống thành taxi. Nhiều ý kiến đồng tình với dự thảo nhưng cũng có không ít ý kiến lo ngại về việc những lợi ích của taxi công nghệ sẽ bị triệt tiêu.

Nhiều bất cập chưa được tháo gỡ

Cách đây 6 năm, ứng dụng gọi xe lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và giành ngay ưu thế trong cuộc cạnh tranh với taxi truyền thống. Khách hàng hưởng lợi vì giá cước rẻ hơn, được biết trước chi phí chuyến đi và có quyền chọn đi hay không. Tài xế cũng hưởng lợi vì hiệu suất khai thác cao hơn, ít khi phải chạy rỗng trên đường, tận dụng được phương tiện cá nhân nhàn rỗi.

Lợi, hại khi còn một loại taxi ảnh 1 Taxi truyền thống chờ đón khách tại cổng quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tuy nhiên, bao nhiêu năm taxi công nghệ hoạt động là bấy nhiêu năm taxi truyền thống kêu cứu. Vì cho rằng, 2 loại hình này cùng bản chất chở khách và tính km nhưng lại có điều kiện kinh doanh khác nhau. Trong khi taxi phải chịu các quy định rất chặt chẽ về giá cước, nhận diện phương tiện, số lượng xe, nghĩa vụ thuế và trách nhiệm với người lao động thì taxi công nghệ có những điều kiện dễ chịu hơn, không nhận diện phương tiện, được đi vào đường cấm (với những đường cấm taxi vì xe công nghệ lúc đó nhìn như xe du lịch) giá cước linh hoạt, nộp thuế khoán, không phải đóng bảo hiểm cho người lao động... 


Sau 5 năm soạn thảo và 12 lần thay đổi, đến năm 2020, Nghị định 10/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô mới được ban hành. Trong đó, Bộ GTVT đã xác định xe công nghệ là đơn vị kinh doanh vận tải, chứ không đơn thuần cung cấp ứng dụng. Tuy nhiên, Nghị định 10 vẫn chưa giải quyết dứt điểm các bất cập giữa hai loại hình và cuộc chiến vẫn tiếp dẫn. 

Theo đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT), về bản chất, xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ và xe taxi cùng chở khách, cùng tính theo km nhưng lại chịu hai điều kiện quản lý khác nhau là không hợp lý, không công bằng. Vì vậy, trong dự thảo Luật GTĐB sửa đổi vừa được trình Chính phủ, Bộ GTVT dự kiến gom tất cả xe dưới 9 chỗ lại thành loại hình xe taxi. Nếu được thông qua, taxi công nghệ sẽ phải kê khai giá cước, phải dán nhận diện phương tiện, phải nộp nghĩa vụ thuế và có trách nhiệm với người lao động như các hãng taxi truyền thống. 

Cần cách quản lý mới

Trước thông tin Bộ GTVT muốn gom taxi công nghệ, taxi truyền thống vào cùng một loại hình, hầu hết các ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội taxi truyền thống đều bày tỏ đồng tình, vì cho rằng việc này sẽ tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp vận tải. Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, đã khẳng định, trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp taxi truyền thống đã phải chịu sự bất bình đẳng về điều kiện kinh doanh với taxi công nghệ. Nhiều hãng taxi đã điêu đứng, bên bờ vực phá sản vì không cạnh tranh nổi với taxi công nghệ. Việc ứng dụng công nghệ vào kinh doanh là cần thiết nhưng không thể lợi dụng công nghệ để lách luật, cạnh tranh không lành mạnh. Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam, cũng cho rằng, việc tất cả xe dưới 9 chỗ được ghép chung lại thành loại hình xe taxi sẽ khắc phục được các bất cập trong quản lý giá cước, điều kiện gia nhập thị trường, nộp thuế, thiết lập quy trình quản lý an toàn giao thông... Điều đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng với các hãng taxi truyền thống. 

Tuy nhiên, bên cạnh các ý kiến ủng hộ, nhiều ý kiến từ phía người tiêu dùng đặt ra là, nếu đưa hết về một loại taxi để quản lý thì những lợi ích của taxi công nghệ như giá cước rẻ hơn, hành khách không lo bị chặt chém hoặc bị “phù phép”đồng hồ tính cước như taxi truyền thống còn được bao nhiêu? Và khi đó, taxi truyền thống có còn nhiều động lực để nâng cấp, chuyển đổi phương thức quản lý, ứng dụng công nghệ mới để cải thiện giá cả, chất lượng dịch vụ?  Thực tế cho thấy, trong bối cảnh xăng tăng giá mạnh như thời gian vừa qua, dịch vụ taxi nói chung đã có nhiều lộn xộn. Nhiều chủ xe chạy taxi công nghệ đã phải bán xe hoặc tạm dừng hoạt động, số lượng taxi công nghệ giảm hẳn. Hệ luỵ, người tiêu dùng gọi xe khó hơn, giá cước cao hơn. Taxi truyền thống trở nên đắt hàng nhưng người tiêu dùng đương nhiên cũng phải chấp nhận trả tiền theo đồng hồ tính cước với nhiều ấm ức. Thậm chí có những hãng taxi nhân cơ hội hiếm xe đã liên kết với các chủ xe ngoài hãng để bán khách. Không ít hành khách phản ánh gọi taxi qua tổng đài nhưng được điều xe ngoài hãng với cách tính cước hết sức mập mờ. 

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc gom hay không gom các xe chở khách dưới 9 chỗ về một loại hình taxi không quan trọng, vấn đề là tìm cách quản lý như thế nào cho phù hợp với tình hình mới. Bộ GTVT không thể quản lý taxi công nghệ như cách đã quản lý taxi truyền thống và ngược lại. Hiện nhiều hãng taxi đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành để tăng năng lực cạnh tranh. Mục tiêu quan trọng của việc sửa luật là, vừa tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, vừa phát huy được lợi ích của công nghệ, và hơn hết là đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục