Lợi dụng kẽ hở để trục lợi trợ cấp

Với nhiều doanh nghiệp tại Mỹ, Chương trình Bảo vệ tiền lương (PPP) của chính phủ được triển khai trong đại dịch Covid-19 là chiếc phao cứu sinh giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn trong thời điểm hiện tại. 
Nhân viên giao hàng làm việc tại New York, Mỹ ngày 13-4-2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên giao hàng làm việc tại New York, Mỹ ngày 13-4-2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

PPP góp phần giải quyết tình trạng gián đoạn kinh doanh do dịch bệnh, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ như nhà hàng, tiệm bánh, quán cà phê…, cũng như duy trì việc làm cho hàng chục triệu người lao động thông qua các khoản vay ưu đãi. Doanh nghiệp nhận hỗ trợ được yêu cầu dùng ít nhất 60% tiền vay để trả lương nhân viên, phần còn lại dùng để trả lãi thế chấp, tiền thuê mặt bằng, hoặc một số chi phí kinh doanh khác.

Trong gần 15 tháng đại dịch Covid-19 hoành hành, Chính phủ Mỹ đã 4 lần cấp kinh phí cho PPP. Theo Cơ quan Quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA), tính đến ngày 23-5, cơ quan này đã phê duyệt 11,6 triệu khoản vay PPP với tổng giá trị 798 tỷ USD cho 8,5 triệu công ty nhỏ và các tổ chức phi lợi nhuận để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế.

Tuy nhiên, việc triển khai PPP cũng tồn tại nhiều kẽ hở. Theo quy định trong 2 đợt triển khai PPP đầu tiên hồi năm ngoái, trong số những đối tượng được hưởng khoản vay ưu đãi có doanh nghiệp với quy mô dưới 500 nhân viên, các doanh nghiệp lớn trong ngành dịch vụ lưu trú và cung cấp thực phẩm.

Điều này đã tạo ra lỗ hổng lớn về mặt pháp lý khi nhiều doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 100 triệu USD có thể nhận được hàng triệu USD tiền hỗ trợ thông qua các chi nhánh hay công ty con với số nhân viên dưới 500 người.

Ngoài ra, còn có hành vi gian lận để trục lợi của nhiều cá nhân khi phóng đại chi phí thiệt hại trong kinh doanh hòng nhận số tiền hỗ trợ lớn. Sự phụ thuộc của PPP vào các thể chế tài chính có thể gây bất lợi cho những người không có mối quan hệ thân thiết với các ngân hàng… 

Cũng vì lý do này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điều chỉnh quy định về đối tượng nhận PPP sau khi nhậm chức, theo đó chỉ cho phép các công ty có ít hơn 20 nhân viên đăng ký hỗ trợ thông qua chương trình nhằm đảm bảo dòng tiền đến tay doanh nghiệp nhỏ mà không rơi vào túi các “ông lớn”. Từ đầu năm đến nay, 96% khoản vay PPP đều dành cho các doanh nghiệp nhỏ. 

Mặc dù tồn tại một số lỗ hổng, nhưng không thể phủ nhận PPP đã cung cấp những khoản hỗ trợ tài chính cần thiết nhất, giúp nhiều doanh nghiệp Mỹ tồn tại. Giám đốc Liên đoàn Doanh nghiệp độc lập bang Iowa Matt Everson đánh giá, PPP cùng chương trình hỗ trợ tài chính cho người dân thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Tin cùng chuyên mục