Lời cảnh báo từ Sri Lanka

Các quốc gia có mức nợ cao sẽ phải đối mặt với nhiều căng thẳng hơn. Hãy nhìn vào Sri Lanka như một dấu hiệu cảnh báo. Đó là lời cảnh tỉnh của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đối với một số quốc gia châu Á đang đi trên quỹ đạo tương tự như Sri Lanka.

Khủng hoảng ngoại hối

Trong những năm qua, Sri Lanka đã gánh một khoản nợ khổng lồ và tháng trước đã trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vỡ nợ trong 20 năm qua. Quốc gia Nam Á này đang phải vật lộn để chi trả các mặt hàng nhập khẩu quan trọng như thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men cho 22 triệu dân. Các quan chức Sri Lanka đã đàm phán với IMF về khoản cứu trợ 3 tỷ USD. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán đang bị đình trệ trong bối cảnh hỗn loạn chính trị.

Một khu chợ ở thủ đô Colombo, Sri Lanka. Ảnh: AP
Không chỉ Sri Lanka, nhiều nền kinh tế khác tại khu vực châu Á cũng đang vật lộn với lạm phát, đồng tiền mất giá, mức nợ cao và dự trữ ngoại tệ ngày càng cạn kiệt. Tại Pakistan, giá nhiên liệu đã tăng khoảng 90% kể từ cuối tháng 5 vừa qua, sau khi chính phủ nước này chấm dứt trợ cấp nhiên liệu. Tỷ lệ lạm phát  ở mức 21,3% vào tháng 6, cao nhất trong 13 năm. Nền kinh tế Pakistan đang gặp khó khăn khi giá hàng hóa tăng cao. Trong khi đó, giống như Sri Lanka, Pakistan cũng phải đối mặt với dự trữ ngoại tệ thấp, gần như đã giảm một nửa kể từ tháng 8-2021. 

Chính phủ nước này phải cố gắng kìm chế chi tiêu khi đàm phán với IMF để tiếp tục chương trình cứu trợ. Tháng trước, một bộ trưởng cấp cao trong Chính phủ Islamabad đã yêu cầu người dân giảm uống trà để cắt giảm hóa đơn nhập khẩu mặt hàng này. Pakistan đã áp thuế 10% đối với ngành công nghiệp quy mô lớn trong 1 năm để tăng 1,93 tỷ USD nhằm cố gắng giảm chênh lệch giữa thu và chi của chính phủ (một trong những yêu cầu chính của IMF). 

Nợ công, lạm phát cao

Còn với Maldives, quốc đảo này đã chứng kiến mức nợ công tăng vọt trong những năm gần đây và hiện đã vượt quá 100% GDP. Giống như Sri Lanka, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch. Các quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào du lịch có xu hướng có tỷ lệ nợ công cao hơn. Ngân hàng Thế giới cho biết do nền kinh tế không đa dạng, quốc đảo này đặc biệt dễ bị tổn thương bởi giá nhiên liệu cao. Ngân hàng đầu tư JPMorgan của Mỹ cho biết Maldives có nguy cơ vỡ nợ vào cuối năm 2023.

Lạm phát tại Bangladesh đã chạm mốc cao nhất trong 8 năm qua vào tháng 5-2022, ở mức 7,42%. Với nguồn dự trữ ngoại hối ngày càng cạn kiệt, chính phủ nước này đã hành động nhanh chóng để hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, nới lỏng các quy định để thu hút kiều hối từ hàng triệu người di cư sống ở nước ngoài và giảm các chuyến đi nước ngoài của các quan chức. Kim Eng Tan, một chuyên gia tại Công ty S&P Global Ratings (Mỹ), phân tích: Đối với các nền kinh tế đang thâm hụt tài khoản vãng lại như Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka, chính phủ các nước này phải đối mặt với khó khăn trong việc tăng trợ cấp. Pakistan và Sri Lanka vì thế đã tìm đến IMF và các chính phủ khác để được hỗ trợ tài chính.

Giá lương thực và năng lượng tăng đang đe dọa nền kinh tế thế giới. Giờ đây, các quốc gia đang phát triển đi vay nặng lãi trong nhiều năm hiện đã nhận  ra rằng họ rất dễ bị tổn thương trước những ảnh hưởng toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục