Lợi bất cập hại

Quan hệ hợp tác giữa Hungary và Trung Quốc trong những năm gần đây có nhiều bước tiến. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại quan trọng thứ 10 trên thế giới và đứng đầu trong số các quốc gia đối tác ngoài Liên minh châu Âu (EU) của Hungary. 
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: AFP/TTXVN
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoài làm ăn, Hungary cũng thắt chặt quan hệ về quân sự với khởi đầu là chuyến công du Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Hungary Tibor Benkő cuối tháng 11-2019, nhân 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã có chuyến thăm Hungary.

Chuyến công du của ông Ngụy Phượng Hòa diễn ra trong bối cảnh quan hệ EU - Trung Quốc đang căng thẳng. Sau hơn 30 năm, EU đã nhất trí trừng phạt một số quan chức Trung Quốc do những cáo buộc liên quan đến vấn đề nhân quyền ở Tân Cương. Là quốc gia thành viên của EU nhưng Hungary lại có quan điểm trái ngược với khối khi Ngoại trưởng nước này Péter Szijjártó cho rằng, việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc là “đặc biệt vô nghĩa, có hại và cực kỳ nguy hiểm”.

Để có được tuyên bố này, liên minh cầm quyền cánh hữu, mà chủ chốt là Liên đoàn Thanh niên dân chủ (FIDESZ), đã thay đổi hẳn thái độ với Trung Quốc từ năm 2010, khi lần thứ hai Thủ tướng Viktor Orbán, Chủ tịch FIDESZ, lên nắm quyền. Trước đó, FIDESZ thường xuyên chỉ trích Trung Quốc về vấn đề nhân quyền. Giờ đây, mọi phê phán nhằm vào Bắc Kinh chấm dứt hẳn, Trung Quốc trở thành quốc gia quan trọng trong đường lối ngoại giao “hướng Đông” của Hungary với những chuyến thăm thường xuyên hơn của lãnh đạo đôi bên.

Thoạt nhìn, có thể cảm giác đường lối ngoại giao của Hungary với Trung Quốc đi theo hướng thực tiễn, đôi bên cùng có lợi. Hungary như thể không bị phụ thuộc, độc lập với cả Brussels và điều này cũng được Budapest thể hiện trong đại dịch Covid-19, khi nước này mua đủ loại vaccine, không bó hẹp trong khuôn khổ EU. Tuy nhiên, giới quan sát lại cho rằng, đây là quan hệ có hại về chính trị vì nó xa rời những giá trị căn bản của châu Âu và xét về mặt kinh tế, Hungary không có lợi gì từ những dự án hợp tác với Trung Quốc. Một ví dụ được nêu ra là tuyến đường sắt Budapest - Belgrade với nguồn tín dụng từ Trung Quốc. Tuyến đường sắt này được xem phù hợp với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc nhưng hoàn toàn bất lợi cho Hungary vì gần như không có chỗ cho các doanh nghiệp, nhân công Hungary. Chưa kể, theo tính toán, phải mất 2.400 năm Hungary mới hòa vốn.

Với quan hệ Hungary - Trung Quốc hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng vô hình trung, Budapest là cửa ngõ của Trung Quốc ở vùng Đông - Trung Âu.

Tin cùng chuyên mục