Loay hoay xây dựng thương hiệu gạo Việt

Tháng 7-2018, gạo Việt mới có logo. Đó là một chặng đường dài sau gần 30 năm xuất khẩu. Dẫu muộn vẫn là một tín hiệu tích cực cho việc tạo dựng thương hiệu gạo Việt. 
Nhưng để thương hiệu gạo Việt mạnh không đơn thuần chỉ là chuyện từ một logo mà rất cần đến vai trò của doanh nghiệp.

Nói chuyện thương hiệu cho gạo Việt như một điều “xa xỉ” đối với lúa gạo của Việt Nam. Cách đây khoảng 3 năm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mới chính thức bắt tay vào chuyện xây dựng thương hiệu cho gạo Việt. Trong tháng 7 - 2018, logo gạo Việt sẽ được công bố. Cụ thể các cơ quan chức năng đang tiến hành các thủ tục bảo hộ quốc tế thương hiệu gạo Việt. 

Sản phẩm lúa gạo Việt Nam vốn rất đa dạng từ nguồn giống. Tại ĐBSCL đã có gạo “Một bụi đỏ Hồng Dân” (Bạc Liêu), “Nàng Nhen Bảy Núi” (An Giang), “Gạo Nàng Thơm Chợ Đào” (Long An) với giá bán có loại cao hơn gấp rưỡi gạo thường, nhưng lại chưa có các thương hiệu chỉ dẫn địa lý như “gạo Việt Nam”, “gạo ĐBSCL”... để thế giới biết đến. Bởi vậy, các loại gạo đặc sản nêu trên thực ra “nổi tiếng” chủ yếu trong nước do chưa có chỉ dẫn địa lý, một trong những yếu tố quan trọng của thương hiệu, để có thể đứng vững ở thị trường nước ngoài. Ngay cả phương thức phân phối trên thị trường nội địa cũng có vấn đề. Kênh phân phối truyền thống trong nước là gạo được phơi bán lộ thiên không đóng gói, không có nhãn mác, gạo bị trộn lẫn tùy tiện. Nếu không chấn chỉnh tình trạng này, gạo Việt có thể khó đứng vững ngay trên sân nhà.

Trong bối cảnh nhiều đại gia nước ngoài nhảy vào phân phối thị trường nông sản thông qua hệ thống siêu thị thì các kênh phân phối gạo truyền thống càng đáng lo hơn. Mới đây, trên Facebook của giám đốc điều hành một công ty đang sống tại Cần Thơ đã gửi vào “tường” Facebook của một giám đốc kinh doanh ngành lúa gạo câu chuyện rất đau đầu: “Nhà mình thường mua gạo Thiên Kim - đặc sản Tây Đô - sản phẩm của một công ty ở Long Xuyên, An Giang. Hàng tuần, vào chủ nhật, cả nhà mình sẽ mua thức ăn chính là thịt, cá để sử dụng cả tuần và vài tuần thì mua gạo một lần ở siêu thị… nay là... Hai tuần nay, mình không thể mua được gạo Thiên Kim dù vẫn nhìn thấy trên danh sách bảng giá. Cả một khu vực trưng bày toàn gạo Thái Lan và gạo Nhật thôi, ba lần hỏi thì nhân viên ở đây đều trả lời là hết hàng... Không khéo mai mốt dân ĐBSCL sẽ không còn sống được bằng cây lúa, trái cây của vùng châu thổ trù phú này. Đành rằng “mở cửa” là để phát triển kinh tế nhưng không lẽ gạo Việt Nam, gạo của ĐBSCL lại thua trên sân nhà thế này sao!”. Đây là một thực tế đáng lo ngại cho mặt hàng gạo Việt chứ không còn là lời cảnh báo.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã nhận ra việc xây dựng thương hiệu gạo Việt là yêu cầu sống còn trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh khốc liệt từ thị trường xuất khẩu gạo. Họ đã có những bước xây dựng nhãn hiệu ở những thị trường truyền thống. Điển hình là Công ty Cổ phần Gentraco. Với hơn 40 năm phát triển và hoạt động trong ngành chế biến gạo tại ĐBSCL, hàng năm sản lượng gạo tiêu thụ của Gentraco khoảng 300.000 tấn với doanh thu trên 3.000 tỷ đồng. Tại thị trường nội địa, Gentraco đã cung cấp các mặt hàng gạo cao cấp mang nhãn hiệu Gạo sạch Miss Cần Thơ; Gạo thơm Cò Trắng, Gạo sạch Ngọc Đồng, Gạo dinh dưỡng Ngọc Đỏ, nếp thơm Cò Trắng luôn nhận được sự tín nhiệm của khách hàng cũng như các siêu thị của trong và ngoài nước... Đối với thị trường xuất khẩu các nhãn hiệu Miss Cantho của Gentraco đã tiếp cận hệ thống siêu thị ở các nước Hongkong, Singapore,… giới thiệu sản phẩm và mở gian hàng trưng bày sản phẩm tại các hội chợ ngành gạo quốc tế… Việc đăng ký sở hữu nhãn hiệu cho nhãn hàng cũng đã thực hiện từ những năm 1990 tại các nước: Australia; USA; New Zealand; Hongkong; Singapore. Đây sẽ là tiền đề để gạo Gentraco từng bước thâm nhập vào các thị trường này.

Để thực hiện chiến lược chất lượng gạo, các doanh nghiệp cần năng động tự tìm thị trường và đầu tư thích đáng vào marketing. Có thể thấy các doanh nghiệp tư nhân hiện nay đã làm khá tốt vấn đề này và họ cần được đối xử bình đẳng so với doanh nghiệp Nhà nước. Thương hiệu gạo Việt cần được hiểu là sự nổi tiếng của gạo Việt trên thị trường, vì vậy sự nổi tiếng này không nhất thiết chỉ dựa trên một giống nào đó mà có thể là sự phong phú đa dạng về chất lượng, đáp ứng rộng rãi nhu cầu của người tiêu dùng các nước. Xây dựng thương hiệu gạo Việt không chỉ là hình ảnh/biểu tượng và bảo vệ hình ảnh/biểu tượng đó... mà còn bao hàm các giá trị về chất lượng sản phẩm (giống), kỹ thuật sản xuất (điều kiện sinh thái, canh tác, chế biến, đóng gói), sự cam kết lâu dài của chủ thương hiệu, thể chế tổ chức trong chuỗi sản xuất và cung ứng... Đây chính là cơ sở để quản trị thương hiệu gạo quốc gia.

Tin cùng chuyên mục