Loay hoay tìm giải pháp phòng chống sạt lở

ĐBSCL đang đối diện với những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Trong đó, hạn mặn, sạt lở, sụp lún đất là 3 nỗi lo lớn nhất. Ba nguyên nhân này khiến hàng ngàn người dân trong vùng phải di dời chỗ ở hàng năm. Sạt lở bờ sông, bờ biển khiến ĐBSCL mỗi năm mất hơn 500ha đất. Việc tìm giải pháp để hạn chế những thiệt hại và rủi ro do sạt lở, sụp lún đất là một yêu cầu cấp bách.
Sạt lở đã cuốn trôi hàng trăm ngôi nhà ở ĐBSCL mỗi năm. Ảnh: CAO THĂNG
Sạt lở đã cuốn trôi hàng trăm ngôi nhà ở ĐBSCL mỗi năm. Ảnh: CAO THĂNG

Sạt lở bủa vây

Nhiều người dân sống ven sông Hậu (quận Ô Môn, Cần Thơ) do bị sạt lở phải đi tá túc ở nhờ cộng đồng và đến nay vẫn chưa có nơi ở ổn định. Hiện Ô Môn có 5/7 phường nằm dọc sông Hậu bị sạt lở liên tục trên chiều dài 1,3km. Có nơi chỉ trong 1 tháng sạt lở 3 lần. Thống kê sơ bộ từ đầu năm 2018 đến nay, sạt lở đã làm sụp hoàn toàn 10 căn nhà, gần 40 căn bị ảnh hưởng; hàng chục hộ dân không còn nhà ở; thiệt hại trên 30 tỷ đồng. UBND TP Cần Thơ phải mời các nhà khoa học từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khảo sát địa chất lòng sông khu vực sạt lở để đề xuất giải pháp hỗ trợ. 

UBND TP Cần Thơ đã nhiều lần họp khẩn về tình hình sạt lở bờ sông. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chỉ đạo quyết liệt: “Về lâu dài không thể để nhà sàn trên sông, ảnh hưởng đến mỹ quan, vệ sinh môi trường và hành lang giao thông. Các cơ quan chức năng của địa phương phải chấm dứt cấp phép cho xây dựng nhà cửa trên sông, chấm dứt cất nhà sàn trên sông. Nếu để xảy ra tình trạng này, chủ tịch UBND xã, phường phải chịu trách nhiệm; chủ tịch UBND quận, huyện quản lý chặt việc này. Cơ quan chức năng của thành phố phải sớm có đề án, lộ trình để giải quyết dứt điểm việc cất nhà sàn ven mé sông. Sau này, có sạt lở cũng không ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân”.

Tổng cục Phòng, chống thiên tai nhận định: “Từ năm 2010 đến nay, diễn biến sạt lở diễn ra rất nhanh, ngày càng phức tạp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội trong vùng”. ĐBSCL là vùng đất thấp, chủ yếu được kiến tạo từ phù sa sông Mê Công. Người dân có thói quen cất nhà ven sông nên sạt lở thường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản và sinh kế.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), nhận định: “Phù sa từ dòng Mê Công về ĐBSCL ngày giảm mạnh. Các hoạt động khai thác cát, mực nước ngầm tràn lan, công trình xây dựng hai bên bờ sông ngày càng nhiều, số lượng phương tiện giao thông thủy gia tăng và biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy… dẫn đến sạt lở”.

Tổng cục Phòng, chống thiên tai lưu ý thêm: Các tuyên đê bao, bờ bao được xây dựng không có quy hoạch đã thu hẹp không gian trữ, thoát lũ (nhất là phục vụ lúa vụ 3). Ngoài ra, việc chuyển đổi rừng ngập mặn thành khu nuôi trồng thủy sản; đánh bắt hải sản quá mức ở vùng ven bờ; nước biển dâng, bùn cát giảm dẫn đến chiều cao cột nước tăng, cùng với tác  động của gió làm sóng biển ngày càng cao khiến các vụ sạt lở ven biển gia tăng.   

TS Dương Văn Ni (Trường Đại học Cần Thơ) đề xuất: “Cần nhanh chóng khảo sát xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở cao cho cả khu vực. Nên thông qua kênh ngoại giao khảo sát sông Mê Công từ thượng nguồn đến ĐBSCL để có cái nhìn tổng thể về biến động của dòng Mê Công”.

Cắm mốc chỉ giới, khôi phục rừng phòng hộ

Năm 2018, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại ĐBSCL phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng. Việc khắc phục và chống sạt lở vượt tầm của các địa phương trong vùng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải chủ trì một hội nghị cùng lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL để tìm kiếm giải pháp khắc phục.

Tại hội nghị, Thủ tướng đã chỉ đạo: Tất cả các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương trong vùng phải triển khai đồng bộ, kịp thời hơn các giải pháp để thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, phải bảo đảm an toàn tính mạng, giữ đất, giữ người. Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 cho vùng ĐBSCL xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu. 

Lâu nay, các giải pháp chống sạt lở chủ yếu là làm bờ kè, kè giảm sóng. Nhiều đô thị ở ĐBSCL áp dụng giải pháp làm bờ kè. Tuy nhiên, các giải pháp này không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả lâu dài. Như thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, dù nhiều lần kè chống sạt lở nhưng sạt lở vẫn thường xuyên đe dọa, Đồng Tháp phải “dời” trung tâm tỉnh về đặt ở Cao Lãnh. Trong khi đó, triều cường cùng với biến đổi khí hậu - nước biển dâng làm suy thoái đất, nước ngầm cùng với suy giảm diện tích và chất lượng rừng ngập mặn biển cũng làm quá trình xói lở bờ biển diễn ra nhanh hơn. Hiện tại, các khu vực ven biển cũng chủ yếu làm kè như bờ biển Vĩnh Châu - Sóc Trăng, Mũi Cà Mau, Gành Hào - Bạc Liêu, Hiệp Thành - Trà Vinh, kè ly tâm ở Kênh Mới - Đá Bạc (Cà Mau)… 

Các nhà khoa học cho rằng: Tuyến công trình bờ sông hiện tại chỉ điều chỉnh cục bộ, tránh  tình trạng lấn sông. Cần đánh giá kỹ hình thái, xu thế diễn biến lòng dẫn, điều kiện thực tế nơi xảy ra sạt lở để chọn lựa kết cấu phù hợp như: mái nghiêng, tường đứng hoặc tường đứng kết hợp mái nghiêng. Quá trình chống sạt lở cần kiên quyết loại trừ các hành động lấn chiếm. Cùng với việc xây dựng công trình, cần quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở ven sông rạch. Cần thiết, nghiêm cấm việc xây dựng nhà ven sông như Cần Thơ mới áp dụng.

Theo Viện Quy  hoạch Thủy lợi miền Nam, thời gian tới cần hoàn thiện hệ thống đê biển và các cống dưới đê để phòng chống tác động từ biển. Chú trọng việc trồng rừng, bảo vệ rừng phòng hộ; có nghiên cứu sâu về ứng phó tác động của lún và ảnh hưởng của biến động về dòng chảy sông Mê Công để có giải pháp tổng thể, phù hợp.

Tin cùng chuyên mục