Loay hoay mở lối trường học thông minh. Bài 3: Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định

Muốn thay đổi quá trình dạy học, người thầy phải thay đổi cả hệ tư tưởng lẫn thói quen làm việc, đầu tư nhiều thời gian hơn vào việc thiết kế bài giảng. Trong khi đó, hiện nay số đầu việc của đội ngũ này không hề nhỏ khiến nhiều người nảy sinh tâm lý ngán ngại, đặc biệt các giáo viên lớn tuổi.
Một giờ học hướng nghiệp có sử dụng phần mềm công nghệ tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10)
Một giờ học hướng nghiệp có sử dụng phần mềm công nghệ tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10)

Chưa đầy 2 năm nữa, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ triển khai cuốn chiếu, bắt đầu từ lớp 1. Trong đó, sẽ có hàng loạt thay đổi từ nhận thức, phương tiện đến nội dung thực hiện (như sử dụng sách giáo khoa điện tử, đẩy mạnh dạy học trực tuyến, tăng cường quản trị nhà trường...). Đứng trước yêu cầu đổi mới đó, trường học cần làm gì để thích ứng sự phát triển chung của xã hội?

Phát triển đội ngũ giáo viên đúng chuẩn

Trước những yêu cầu đặt ra của đổi mới giáo dục, TS Nguyễn Đức Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhìn nhận: “Muốn thay đổi quá trình dạy học, người thầy phải thay đổi cả hệ tư tưởng lẫn thói quen làm việc, đầu tư nhiều thời gian hơn vào việc thiết kế bài giảng. Trong khi đó, hiện nay số đầu việc của đội ngũ này không hề nhỏ khiến nhiều người nảy sinh tâm lý ngán ngại, đặc biệt các giáo viên lớn tuổi”.

Ngoài ra, vị này cũng nêu thêm thực tế, hiện nay thị trường lao động đang tồn tại bất cập lớn. Ở các doanh nghiệp chuyên về giải pháp công nghệ, để xây dựng phần mềm giáo dục, đội ngũ phải “tự bơi” trong việc cập nhật kiến thức nền tảng. Trong khi đó, ở các đơn vị giáo dục, đội ngũ giáo viên có nền tảng kiến thức tốt lại mắc “hội chứng sợ công nghệ”, quen làm việc theo hướng dẫn, tài liệu mẫu. Thực tế này đòi hỏi các trường phổ thông thời gian tới phải phát triển đội ngũ vừa am hiểu về giáo dục lẫn công nghệ.

Đặc biệt, bắt đầu từ năm học 2020-2021, khi chương trình GDPT mới được triển khai, nếu trường học không giải quyết được bài toán nhân lực này thì ở nhiều khâu vận hành như sử dụng sách giáo khoa điện tử, học bạ điện tử, phát triển các hình thức học tập trực tuyến, học online, thiết kế bài giảng điện tử, cũng như quản trị nhà trường sẽ gặp khó.

Giải quyết bài toán đó, bắt đầu từ năm học 2019-2020, Trường Đại học Giáo dục sẽ đưa vào thí điểm đào tạo đội ngũ giáo viên công nghệ giáo dục như một hình thức đào tạo xuyên ngành, kết hợp giữa 2 lĩnh vực công nghệ và giáo dục. Đối tượng tuyển sinh bao gồm cả học sinh tốt nghiệp bậc THPT và giáo viên đang công tác tại các trường phổ thông có nhu cầu học tập, nâng cao trình độ. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay là chế độ, chính sách dành riêng cho đội ngũ này, do chưa được công nhận trong danh mục vị trí việc làm.

“Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ GD-ĐT để có thêm nhiều chính sách cụ thể dành riêng cho đội ngũ này, đáp ứng nhu cầu nhân lực của các trường phổ thông”, TS Nguyễn Đức Huy bày tỏ.

Song song đó, theo nhà giáo Đặng Thị Thu Kim, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Tây Hồ (quận Gò Vấp, TPHCM), dạy học theo định hướng tăng cường ứng dụng công nghệ ngoài việc gặp khó khăn về cơ sở vật chất còn đòi hỏi sự chủ động, tích cực từ phía giáo viên. Theo đó, vị này cho rằng, muốn học sinh học tập tích cực thì người thầy phải làm sao cho các em thấy được tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ 4.0, truyền cho các em không chỉ lòng đam mê mà cả sự kiên trì trong quá trình học tập và nghiên cứu.

Hướng đến dạy học theo hướng cá thể

Từ thực tế dạy học theo hướng đổi mới, cô Đặng Thị Thu Kim bày tỏ, phương pháp dạy học này không thể triển khai đồng loạt cho tất cả đối tượng học sinh mà phải tổ chức dạy học theo nhóm hoặc cá nhân, tức phát triển theo hướng cá thể hóa. Điều này đồng nghĩa với việc người dạy phải quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu của người học, đề cao vai trò của việc phát huy tính sáng tạo và kỹ năng cho người học.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Ngọc Vũ, Trưởng khoa Ngoại ngữ - Trường Đại học Hoa Sen, so sánh nếu như trong cách dạy truyền thống, giáo viên dạy học dựa trên một tài liệu sẵn có, tất cả người học đều được truyền thụ và tiếp thu như nhau, thì nay với giáo dục theo định hướng thông minh, mỗi người học sẽ được xác định mục tiêu và nhu cầu học tập phù hợp.

Theo đó, các phần mềm, công cụ trí tuệ nhân tạo đóng vai trò như “người giúp việc” giúp giáo viên phân loại, đánh giá đúng nhu cầu và mục tiêu của người học, qua đó đề ra lộ trình và hướng rèn luyện phù hợp.

Mặt khác, trước một số hạn chế của dạy học ở trường phổ thông hiện nay như thiếu môi trường thực hành cho học sinh, trình độ giáo viên, trang thiết bị không đồng đều, việc áp dụng dạy học theo hình thức sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo sẽ giúp tạo thêm môi trường thực hành, ứng dụng, giúp tăng thêm hứng thú cho người học và đặc biệt kéo gần khoảng cách chênh lệch vùng, miền trong giáo dục.

Ở góc độ khác, TS Nguyễn Ngọc Vũ chỉ ra rằng, hiện nay khi đầu tư vào các dự án sử dụng công nghệ thông tin trong trường học, nhiều đơn vị tập trung quá nhiều vào việc mua phần cứng (trang bị bảng tương tác, đèn LED), mua phần mềm, nguồn học liệu, nhưng đội ngũ giáo viên không được tập huấn. Có nơi công cụ sử dụng rất tốt nhưng đường truyền, tốc độ kết nối Internet chưa đáp ứng khiến hiệu quả triển khai không như mong đợi.

Khắc phục tình trạng đó, vị này cho rằng song song với việc đầu tư hạ tầng, các trường cần quan tâm nhiều hơn đến đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cũng như chọn nguồn học liệu phù hợp, bởi đây mới là 2 yếu tố then chốt giúp hiệu quả đổi mới được duy trì lâu dài, thậm chí có thể tái sử dụng và xuất khẩu. Ngoài ra, trước sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, trường học cần thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp công nghệ để rút ngắn thời gian thí điểm, xác định lựa chọn phù hợp nhất với đơn vị.

Nhiều ý kiến cho rằng, hạn chế lớn nhất của các phần mềm dạy học trực tuyến hiện nay là đánh giá học sinh bằng định lượng (đúng hoặc sai, đưa ra đánh giá tổng quan dựa trên tỷ lệ phần trăm cụ thể), mà không lường trước một số yếu tố mang tính nhất thời như học sinh bấm nhầm đáp án, trục trặc đường truyền, lỗi kỹ thuật. Do đó, thời gian tới, để phát triển hình thức dạy học trực tuyến, đơn vị cung cấp cần chú trọng hơn yếu tố kiểm tra, đánh giá, trong đó xem trọng đánh giá theo quá trình và sự tiến bộ của học sinh.

Tin cùng chuyên mục