Loãng xương - “sát thủ” thầm lặng

Bệnh được xem là “sát thủ” giấu mặt bởi không có những biểu hiện bệnh rõ ràng và ảnh hưởng tức thời đến người bệnh. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nếu không khám và phát hiện kịp thời, bệnh loãng xương có thể biến chứng như gây xẹp xương sống, gãy xương…
Bác sĩ Cao Thanh Ngọc đang thăm khám cho bệnh nhân bị loãng xương
Bác sĩ Cao Thanh Ngọc đang thăm khám cho bệnh nhân bị loãng xương

Loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hóa xương, dẫn đến tổn thương sức mạnh của xương, làm tăng nguy cơ gãy xương. Bệnh được xem là “sát thủ” giấu mặt bởi không có những biểu hiện bệnh rõ ràng và ảnh hưởng tức thời đến người bệnh. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nếu không khám và phát hiện kịp thời, bệnh loãng xương có thể biến chứng như gây xẹp xương sống, gãy xương…

Người trẻ cũng mắc

Trước đây, nhiều người vẫn nghĩ loãng xương là bệnh phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh và người lớn tuổi. Nhưng ngày nay, căn bệnh này đã “phủ sóng” đến những người trẻ. Loãng xương gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đặc biệt, trường hợp loãng xương ở người trẻ, đang trong độ tuổi lao động, thì càng ảnh hưởng lớn đến công việc và sự nghiệp của người bệnh.

Mới đây, Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận trường hợp chị P.T.X. (36 tuổi, ngụ TPHCM), nhập viện trong tình trạng đau lưng nhiều và khó đi lại do gầy yếu, suy kiệt, teo cơ tứ chi, kèm ăn uống kém, sụt cân, mất ngủ. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị loãng xương nặng, gãy xẹp nhiều đốt sống ngực, đốt sống thắt lưng và đái tháo đường, suy thượng thận do tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc có chứa corticoids. Qua một thời gian khá dài điều trị, chị X. giảm đau nhiều, đường huyết ổn định, cân nặng cải thiện, xương không gãy thêm.

Theo bác sĩ Cao Thanh Ngọc, Phụ trách Khoa Nội cơ xương khớp - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, loãng xương ở người trẻ là loãng xương thứ phát. Người trẻ bị loãng xương do nhiều nguyên nhân như bệnh lý nội tiết, bệnh thận mạn, những bệnh mãn tính về khớp, hoặc bệnh tự miễn như lupus, viêm khớp dạng thấp, hoặc hội chứng kém hấp thu, sử dụng các loại thuốc làm mất xương như corticosteroid, thuốc chống co giật…

Bên cạnh đó, nhiều người trẻ lười vận động, sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá…, các bạn nữ lại thích ăn kiêng, có thói quen che chắn quá kỹ mỗi khi ra ngoài nên da không có điều kiện tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, dẫn đến bị thiếu vitamin D trầm trọng. Tất cả những yếu tố này làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, trao đổi chất của cơ thể, cũng như làm mất cân bằng giữa quá trình tạo xương, hủy xương và có thể dẫn đến loãng xương. “Loãng xương gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khiến người bệnh đau đớn, mệt mỏi kéo dài, có thể dẫn đến gãy xương, tăng nguy cơ tàn phế và tử vong, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bản thân người bệnh, gia đình và xã hội”, bác sĩ Cao Thanh Ngọc thông tin.

Cần kiên nhẫn và điều trị lâu dài

Theo bác sĩ Cao Thanh Ngọc, việc điều trị loãng xương không quá khó khăn. Quan trọng là người bệnh cần kiên nhẫn, vì điều trị loãng xương là điều trị lâu dài và liên tục. Bên cạnh đó, loãng xương là một bệnh có thể phòng ngừa nếu được quan tâm hợp lý. Người dân cần được cung cấp đầy đủ canxi, vitamin D và các dưỡng chất cần thiết chung cho cơ thể theo lứa tuổi và tình trạng sức khỏe, thường xuyên vận động và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cũng như hạn chế những thói quen hút thuốc, uống rượu bia, uống thuốc không rõ nguồn gốc hoặc tự ý mua thuốc uống…

Song song đó, cần tập thể dục đều đặn, vừa giúp xương khỏe mạnh, vừa làm tăng sức mạnh cơ bắp, sự phối hợp và cân bằng cơ thể, từ đó giúp sức khỏe tốt hơn. Mặc dù tập thể dục tốt cho dự phòng và cho người bị loãng xương, nhưng cũng phải cẩn trọng, tránh vận động quá mạnh vì có thể dẫn đến gãy xương. Bác sĩ Phạm Ngọc Khánh, Khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Nhân dân 115, cũng cho rằng loãng xương là bệnh lý đặc trưng bởi mật độ xương thấp và sự phá hủy trong cấu trúc mô xương dẫn đến làm tăng nguy cơ gãy xương. Loãng xương là một bệnh lý xảy ra thầm lặng kéo dài nhiều năm mà không có biểu hiện triệu chứng cảnh báo sớm nào. 

Để phòng ngừa loãng xương cũng như giúp cơ thể có cấu trúc xương khỏe mạnh, chế độ ăn uống hàng ngày đóng vai trò rất quan trọng. 2 thành tố quan trọng nhất giúp duy trì cấu trúc xương khỏe mạnh và đảm bảo cho quá trình khoáng hóa của xương diễn ra bình thường là vitamin D và canxi. Trẻ em 1 - 3 tuổi nên có 700mg canxi/ngày, trẻ em 4 - 8 tuổi nên nhận 1.000mg canxi/ngày, thanh thiếu niên cần 1.300mg canxi/ngày, người lớn đến 70 tuổi nên nhận 1.000mg canxi/ngày, phụ nữ từ 51 tuổi trở lên cần 1.200mg canxi/ngày, nam giới từ 71 tuổi trở lên cần 1.200mg canxi/ngày. Canxi có nhiều trong sữa, sữa chua, phô mai; các loại rau lá xanh như cải xoăn, bông cải xanh, rau đay, rau ngót... và các loại hải sản như hàu, nghêu, cua, tôm...

Bên cạnh đó, việc duy trì nồng độ vitamin D trong máu ổn định sẽ giúp tăng cường sức khỏe xương. Nhu cầu vitamin D hàng ngày của cơ thể (người lớn trên 50 tuổi) từ 800 đến 1.000 đơn vị vitamin D. “Nếu không thể cung cấp đủ canxi và vitamin từ khẩu phần ăn hàng ngày, hãy dùng thực phẩm chức năng và thuốc hỗ trợ. Hầu hết các thực phẩm chức năng và thuốc canxi cũng sẽ kèm lượng vitamin D. Tuy nhiên, việc đi khám và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa là rất cần thiết cho chế độ ăn hợp lý của mỗi cá nhân. Tránh dùng các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc và công dụng”, bác sĩ Phạm Ngọc Khánh khuyến cáo.

Tin cùng chuyên mục