Lo ngại việc thăm dò khoáng sản cạnh di tích lịch sử

Tháng 9-2020, Bộ TN-MT có quyết định cho phép Công ty CP Khoáng sản Lộc Thiên Phú (gọi tắt là Công ty Lộc Thiên Phú) thăm dò đá quarzit làm nguyên liệu sản xuất đá ốp tại xã Pô Kô, huyện Đắk Tô và xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy (cùng thuộc tỉnh Kon Tum). Diện tích khu vực thăm dò trên giấy phép là 48ha, thời gian thăm dò là 36 tháng. Sau khi được cấp phép, công ty này triển khai nhiều hoạt động để thăm dò.

Theo thông tin và tài liệu chúng tôi tiếp cận được, vị trí cấp phép thăm dò khoáng sản cho Công ty Lộc Thiên Phú gồm khu vực I và khu vực II nằm trên đồi Charlie (hay gọi là đồi Sạc Ly, nơi có di tích lịch sử Điểm cao 1015).

Trong đó, sát với khu vực I về phía Tây và khu vực II về phía Nam là di tích lịch sử Điểm cao 1015. Khoảng cách gần nhất từ ranh giới khu vực thăm dò đến di tích lịch sử này là khoảng 400m theo đường chim bay. Điểm cao 1015 là di tích lịch sử cấp tỉnh và đang được đề nghị là cụm di tích cấp quốc gia, có ý nghĩa quan trọng của địa phương.

Lo ngại việc thăm dò khoáng sản cạnh di tích lịch sử ảnh 1 Điểm cao 1015 nằm trên đồi Sạc Ly. Ảnh: HỮU THẠNH

Khoảng đầu năm 2021, đã có ý kiến lo ngại việc cấp phép thăm dò nói trên sẽ ảnh hưởng đến di tích. Gần đây nhất, ngày 23-2, Trung tướng Khuất Duy Tiến, Trưởng ban Liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng, Sư đoàn 320, đã có văn bản gửi Bộ TN-MT, Bộ VH-TT-DL, Tỉnh ủy - UBND tỉnh Kon Tum.

Nội dung văn bản ngoài việc điểm lại ý nghĩa lịch sử của di tích Điểm cao 1015, còn dẫn những lo ngại việc khảo sát, thăm dò, khai thác sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan môi trường, cấu trúc địa chất, qua đó đề nghị cho dừng ngay việc khảo sát, thăm dò khoáng sản ở khu vực đồi Sạc Ly…

Lo ngại việc thăm dò khoáng sản cạnh di tích lịch sử ảnh 2 Đồi Sạc Ly, nơi cấp phép thăm dò khai thác đá. Ảnh: HỮU THẠNH

Ông Dương Quang Phục, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, cho biết, khi có ý kiến của dư luận lo ngại thăm dò khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến di tích Điểm cao 1015, UBND huyện cũng đã tổ chức đoàn đi kiểm tra thực tế, nhận thấy đơn vị được cấp phép đã ủi đường dài hàng trăm mét, tiến hành khoan lấy mẫu và đào hố để chứa nước phục vụ việc khoan.

Để hạn chế tác động của các yếu tố bên ngoài đến điểm di tích lịch sử, UBND huyện cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Sở TN-MT kiến nghị cấp thẩm quyền không cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản tại khu vực lân cận di tích lịch sử này.

Còn ông Trần Lệnh Tuyến, Chủ tịch UBND xã Rời Kơi, cho biết, di tích lịch sử Điểm cao 1015 hiện xây dựng được nhà bia, UBND xã được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và đơn vị vẫn thường xuyên hương khói.

Theo văn bản do Trung tướng Khuất Duy Tiến gửi Bộ TN-MT, Bộ VH-TTDL, Tỉnh ủy - UBND tỉnh Kon Tum, đồi Sạc Ly, nơi có di tích lịch sử Điểm cao 1015 nằm ở 3 huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy, Đắk Tô. Điểm cao 1015 và các điểm cao xung quanh chiến lược này có tầm quan sát, khống chế cả một vùng rộng lớn khu vực ngã 3 Đông Dương nên từ những năm 1960 (thế kỷ XX), quân đội Mỹ - ngụy đã xây dựng một căn cứ quân sự để kiểm soát khu vực có tầm chiến lược quan trọng này. Từ năm 1960 đến năm 1972, nơi đây xảy ra nhiều trận đánh khốc liệt giữa lực lượng vũ trang, quân và dân địa phương với quân ngụy. Đồi Sạc Ly được ví như nấm mồ bởi có rất nhiều người ngã xuống và là điểm tâm linh của nhiều tổ chức, cá nhân thường xuyên đến thăm viếng, dâng hương.

Tin cùng chuyên mục