Lo ngại suy thoái ở các nền kinh tế lớn

Báo cáo mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đứng trước nguy cơ suy thoái, gây lo ngại kéo theo cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.

Nguy cơ suy thoái mới

Theo ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF, kinh tế thế giới có nguy cơ bước vào kỳ suy thoái mới, chỉ sau 2 năm vừa dứt kỳ suy thoái trước do đại dịch Covid-19. Nguyên nhân lần này là tình trạng lạm phát, cuộc xung đột tại Ukraine và hậu quả kéo dài của dịch Covid-19.

Mỹ, Trung Quốc và Eurozone chiếm khoảng 50% GDP toàn cầu. Vì vậy, bất kỳ nền kinh tế nào trong số 3 “ông lớn” này suy thoái sẽ kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo dự báo của IMF, mức tăng trưởng kinh tế trung bình của kinh tế toàn cầu trong năm 2021 là 6,1%, dự báo năm 2022 là 3,2% và sang năm 2023 là 2,9%. Điều này phản ánh sự suy yếu của các nền kinh tế lớn.

Về vấn đề lạm phát, tỷ lệ lạm phát của Mỹ vẫn trên mức 9% trong tháng 7, buộc nước này đã có 2 lần nâng lãi suất. Kinh tế Mỹ trong 2 quý liên tiếp là quý 1 và quý 2-2022 giảm phát lần lượt là 1,6% và 0,9%. Tại Trung Quốc, việc tiếp tục phong tỏa cục bộ để phòng chống Covid-19 đang ảnh hưởng đến nền kinh tế. Theo IMF, kinh tế nước này đã giảm 2,6% trong quý 2-2022.

Lo ngại suy thoái ở các nền kinh tế lớn ảnh 1 Khách hàng tại Mỹ đắn đo khi chọn thực phẩm trước cơn bão giá

IMF cũng đã hạ tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống 3,3% cho năm 2022, mức thấp nhất trong 4 thập niên và dự báo tăng trưởng kinh tế nước này vào năm 2023 là 1,3%. Đặc biệt, quá trình chấn chỉnh thị trường bất động sản ở Trung Quốc có thể làm đình trệ hơn nữa sự phát triển kinh tế trong những quý tới.

Hậu quả của cuộc chiến Ukraine và tác động đối với giá khí đốt có thể là điểm trừ với kinh tế Eurozone. Giá khí đốt ở châu Âu tăng 30% chỉ trong 2 ngày sau khi Nga cắt nguồn cung từ đường ống Nord Stream 1.

Ưu tiên chống lạm phát

Chống lạm phát đang là ưu tiên của đa số các nền kinh tế trên thế giới. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva vừa kêu gọi các quốc gia phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để giảm lạm phát. Theo triển vọng kinh tế tháng 8, lạm phát trung bình dự kiến là 6,6% ở các nền kinh tế tiên tiến và 9,5% ở các thị trường mới nổi.

Theo các nhà kinh tế IMF, lạm phát ở mức hiện tại thể hiện rủi ro rõ ràng đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay và tương lai. Việc đưa mức lạm phát trở lại mục tiêu của các ngân hàng trung ương nên là ưu tiên hàng đầu trong hoạch định chính sách của các chính phủ.

Theo ước tính của IMF, nếu những rủi ro về lạm phát, Covid-19 và xung đột tại Ukraine trầm trọng thêm, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm còn 2,6% và 2% trong năm 2023, trong khi Mỹ và Eurozone có thể tăng trưởng gần bằng 0 vào năm 2023.

Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang đối mặt với thách thức “hạ cánh mềm” - một cụm từ phổ biến của Mỹ để biểu thị chính sách ngân hàng trung ương, vừa giữ lạm phát trong tầm kiểm soát, vừa giúp nền kinh tế phát triển. Theo bà Kristalina Georgieva, lãi suất toàn cầu có thể sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2023 khi giá cả bắt đầu hạ nhiệt trước động thái từ các ngân hàng trung ương.

Theo CNBC, người đứng đầu IMF cho rằng mặc dù giá dầu đang chững lại nhưng tất cả các dấu hiệu cho thấy lạm phát vẫn chưa được kiềm chế. Bà Kristalina Georgieva nói thêm rằng, điều tối quan trọng là lạm phát phải được kiểm soát, nếu không thì thu nhập sẽ bị xói mòn, ảnh hưởng nặng nề nhất ở những vùng nghèo nhất trên thế giới.

Ngày 8-8, các thị trường tại khu vực châu Á trải qua biến động phức tạp và đồng USD tiếp tục đà tăng trong bối cảnh đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất mạnh hơn nữa nhằm kìm hãm lạm phát. Trong khi đó, những rủi ro về suy thoái tại các nền kinh tế hàng đầu tiếp tục gây sức ép lên giá dầu.

Tin cùng chuyên mục