Lo ngại rủi ro tín dụng trong BOT, BT giao thông ​

Nhiều rủi ro trong hoạt động tín dụng đã được nêu rõ trong Báo cáo số: 68/BC-NHNN vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội. Theo đó, việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông được nhận định là “tiềm ẩn rủi ro trong dài hạn”.

“Việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro đối với ngân hàng do quy định pháp luật đối với thị trường BĐS còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định điều chỉnh đối với một số loại hình bất động sản mới; đầu tư kinh doanh bất động sản là kênh đầu tư có kỳ vọng lợi nhuận cao dễ dẫn đến đầu cơ trên thị trường và vẫn còn tình trạng mất cân đối cung cầu tại một số phân khúc bất động sản…”, Báo cáo viết.

Bên cạnh đó, việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông được nhận định là “tiềm ẩn rủi ro trong dài hạn”, vì đây là các dự án có tổng mức đầu tư lớn, thời gian cho vay dài; năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế; tài sản đảm bảo chủ yếu là quyền thu phí trong khi chính sách phí chưa thực sự ổn định; nguy cơ chuyển nợ sang nhóm nợ xấu rất lớn. 

Lĩnh vực chứng khoán cũng đáng lo ngại, do thị trường chứng khoán Việt Nam còn hạn chế so với các thị trường phát triển, chuẩn mực kế toán và minh bạch thông tin còn khoảng cách so với quốc tế; khung pháp lý về hoạt động của thị trường chứng khoán chưa hoàn thiện, tiềm ẩn rủi ro đối với nhà đầu tư cũng như an toàn vốn tín dụng.

Đáng lưu ý, việc triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù còn gặp nhiều khó khăn như: nợ xấu chương trình cho vay hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá ngày càng gia tăng (đến cuối năm 2018, nợ xấu chiếm 17%). Nợ xấu có xu hướng ngày càng gia tăng tại hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển. Ngoài một số nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì còn do nhiều ngư dân có thái độ chây ì, thiếu trách nhiệm trả nợ ngân hàng, coi đây là vốn ưu đãi của Nhà nước.

Hoạt động tín dụng đen cũng có một số diễn biến phức tạp, gây nhiều hệ lụy đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội và hoạt động ngân hàng. Đối tượng vay tín dụng đen chủ yếu để đáp ứng các nhu cầu không chính đáng, bất hợp pháp (cá độ, lô đề, cờ bạc) hoặc không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, các đối tượng cho vay tín dụng đen sử dụng nhiều biện pháp để khống chế người vay (chỉ ghi nhận nợ là tổng số nợ, hoặc ghi nhận tiền chạy việc...). Tuy nhiên, hiện nay quy định pháp luật còn bất cập, các cơ quan tư pháp khó quy kết hành vi cho vay nặng lãi theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

Tin cùng chuyên mục