Lo ngại một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới

Theo báo cáo vừa công bố của Tổ chức Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN), trong năm 2020, các nước sở hữu vũ khí hạt nhân tiếp tục phát triển kho vũ khí nguyên tử với mức tăng 1,4 tỷ USD so với năm 2019, bất chấp tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới. 
Mỹ thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân
Mỹ thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân

Nguy cơ lớn

 Báo cáo mang tên “Chi tiêu vào hạt nhân toàn cầu năm 2020” cho thấy trong khi các giường bệnh trong bệnh viện chật cứng bệnh nhân, bác sĩ và y tế làm việc quá giờ, vật tư y tế cơ bản thiếu thốn, thì 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới đã chi hơn 72 tỷ USD vào các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt trong năm 2020. Trong đó, mức chi của Mỹ là 37,4 tỷ USD, chiếm hơn một nửa khoản chi của 9 nước và chiếm gần 5% tổng ngân sách quốc phòng của nước này. Mức chi của Trung Quốc khoảng 10 tỷ USD trong khi của Nga là 8 tỷ USD.

Anh, Pháp, Ấn Độ, Israel, Pakistan và Triều Tiên (nhóm 9 quốc gia kể trên) cũng ghi nhận mức tăng chi tiêu đáng kể. Đặc biệt, mức tăng diễn ra trong lúc nhiều nước đang hợp tác cấm vũ khí hạt nhân. Hiệp ước của Liên hiệp quốc cấm vũ khí hạt nhân bắt đầu có hiệu lực vào ngày 22-1-2021 sau khi 50 nước tham gia ký kết đã hoàn tất quá trình phê chuẩn vào tháng 10-2020.

Theo báo cáo của ICAN, hơn 20 công ty sản xuất vũ khí hạt nhân tăng doanh thu trong năm 2020 nhờ các hợp đồng mới hoặc các hợp đồng đang được triển khai, với 11 công ty phương Tây kiếm được 27,7 tỷ USD. Những công ty thu lời cao nhất từ các hợp đồng này là Northrop Grumman, General Dynamics, Lockheed Martin, Raytheon Technologies và Draper.

ICAN nhận định phần lớn các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân vẫn  đang có kế hoạch hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân và phát triển vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ. Ngược lại, phần còn lại của thế giới đang nỗ lực để đưa vũ khí hạt nhân vào danh mục mặt hàng bất hợp pháp.  Trước đó, đã xuất hiện những lo ngại về một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới, đồng thời kêu gọi trách nhiệm pháp lý, chính trị và đạo đức của các nước trong vấn đề này. 

Tăng tốc giành ưu thế 

 Số liệu từ báo cáo trên cũng cho thấy mục tiêu xây dựng một thế giới không vũ khí hạt nhân đang đối mặt nhiều thách thức. Nằm trong nhóm 3 quốc gia đứng đầu danh sách, Mỹ, Trung Quốc và Nga được đánh giá đều đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân rất mạnh. Tất cả mọi chuyển động của nhóm 3 nước này trong cuộc đua trang bị kho vũ khí hạt nhân được theo sát đầy cẩn trọng.

Để duy trì ưu thế dẫn đầu, Mỹ vẫn đang tiếp tục đầu tư nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí hạt nhân tiên tiến có độ an toàn cao, dễ dàng bảo quản và sử dụng. Tuy nhiên, theo hãng tin CNN, Đô đốc Charles Richard, người đứng đầu Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ, cơ quan giám sát kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, cảnh báo Trung Quốc và Nga đang hiện đại hóa vũ khí hạt nhân cũng như các cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân với quy mô lớn, có khả năng tấn công nhanh hơn vũ khí Mỹ.

Hiện nay, Nga và Mỹ bị giới hạn khoảng 1.550 đầu đạn hạt nhân theo Hiệp ước START mới được hai bên ký kết. Trong khi đó, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Trung Quốc ước tính có khoảng 320 đầu đạn hạt nhân. Theo giới chức quân sự Mỹ, số lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sẽ tăng ít nhất gấp đôi trong thập niên tới.

Các quốc gia khác tuy sở hữu kho vũ khí hạt nhân nhỏ hơn nhưng đều đang phát triển những hệ thống vũ khí mới hoặc đã tuyên bố ý định này. Trong khi Trung Quốc đầu tư phát triển “bộ ba hạt nhân” với khả năng tấn công bằng vũ khí hạt nhân trên bộ, trên không và trên biển thì Ấn Độ và Pakistan lại đang tăng dần quy mô và sự đa dạng của các lực lượng hạt nhân. Triều Tiên - quốc gia vẫn được coi là một ẩn số về quy mô và tiềm năng hạt nhân, tiếp tục coi chương trình hạt nhân quân sự là thành tố trung tâm trong chiến lược an ninh quốc gia.

Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết việc đàm phán gia hạn thỏa thuận giám sát hạt nhân với Iran đang trở nên khó khăn hơn, làm suy yếu khả năng hợp tác giữa Tehran với tổ chức có trụ sở tại Vienna này. Trước đó ngày 24-5, IAEA và Tehran đã nhất trí gia hạn thỏa thuận giám sát các hoạt động hạt nhân của Iran thêm 1 tháng, sau khi thỏa thuận kéo dài 3 tháng này hết hiệu lực ngày 22-5 vừa qua. Như vậy, thỏa thuận này dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 24-6 tới.


Theo thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, các thanh sát viên của IAEA có quyền tiếp cận một cách hạn chế các cơ sở phi hạt nhân của Iran, bao gồm cả các địa điểm quân sự, trong trường hợp nghi ngờ có các hoạt động hạt nhân bất hợp pháp. Tuy nhiên, tháng 12-2020, Quốc hội Iran đã thông qua đạo luật chấm dứt quyền thanh sát của IAEA kể từ ngày 21-2-2021, trừ khi Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục