Lo ngại dịch bệnh trên cây tiêu

Sau một thời gian dài giá tiêu rớt xuống đáy ở mức dưới 40.000 đồng/kg thì hơn một năm qua, giá tiêu bắt đầu tăng trở lại và hiện đang ở mức 80.000 - 85.000 đồng/kg khiến người trồng tiêu rất phấn khởi. Do trước đây khi giá xuống thấp, nhiều vườn tiêu ít được người dân chăm sóc cộng với diễn biến thời tiết thất thường làm một số loại dịch bệnh xuất hiện gây hại trên cây tiêu, gây ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập. Thực tế này đang khiến người trồng tiêu lo lắng.
200 nọc tiêu của gia đình anh Phan Chính Thuần (xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) bị nhiễm tuyến trùng
200 nọc tiêu của gia đình anh Phan Chính Thuần (xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) bị nhiễm tuyến trùng

Nhiều hộ trồng tiêu thất thu

Bình Phước hiện có 15.889 ha tiêu, năng suất trung bình hơn 1,8 tấn/ha, sản lượng 24.307 tấn/năm được trồng tập trung ở các huyện biên giới Lộc Ninh (5.423ha), Bù Đốp (3.997ha) và Hớn Quản (1.799ha). Vài năm trở lại đây, dịch bệnh hoành hành làm hàng ngàn hécta tiêu bị chết và nay khi vụ thu hoạch đang đến gần, các hộ trồng tiêu tiếp tục lo lắng vì nhiều dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng trên các khu vườn.

Vườn tiêu 2ha với 4.000 cây tiêu của gia đình anh Phan Chính Thuần (SN 1982, ngụ xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh) đang vào thời kỳ nuôi trái nhưng có 200 cây tiêu bị nhiễm bệnh tuyến trùng làm suy yếu bộ rễ, lá chuyển sang màu vàng và không ra trái. Anh Thuần nói: “Trung bình mỗi cây tiêu cho thu hoạch 2kg hạt tiêu, với số tiêu nhiễm bệnh, trước mắt gia đình tôi thất thu 400kg hạt tiêu và dịch bệnh có nguy cơ lây lan sang các diện tích còn lại; khi tiêu bị nhiễm bệnh tuyến trùng làm hư bộ rễ, khả năng nhiễm các bệnh khiến cây chết rất cao”. 

Tương tự, vườn tiêu 5ha của gia đình anh Bùi Quốc Hay (SN 1971, ngụ xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp) cho thu hoạch nhiều năm nay, năng suất 3 tấn/ha, nhưng có 2ha bị nhiễm bệnh, lá chuyển vàng, trái non rụng xuống, dây tiêu khô héo, thân cây trơ trọi. Dù gia đình anh dùng nhiều cách như phun thuốc bảo vệ thực vật, thường xuyên tưới nước giữ ẩm để cứu chữa nhưng 4.000 cây tiêu vẫn chết rụi trong vài tuần lễ. Theo anh Hay, bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora capsici gây hại, chỉ phòng bệnh là chính. Khi cây tiêu bị nhiễm bệnh thì vô phương cứu chữa, lo nhất là diện tích tiêu mới trồng, khả năng kháng bệnh thấp, có thể chết nhanh hơn và cứ đà này, vườn tiêu sẽ bị dịch bệnh xóa sổ”.  

Số liệu của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho thấy, toàn tỉnh có 704ha tiêu bị nhiễm bệnh chết chậm, tập trung ở các huyện Lộc Ninh, Bù Gia Mập và thị xã Bình Long; bệnh tuyến trùng gây hại 661ha tập trung ở thị xã Bình Long và 2 huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập. Ngoài ra, bệnh thán thư, bệnh chết nhanh gây hại hơn 250ha tiêu cũng có nguy cơ lan rộng làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng cây tiêu ở địa phương.   

Chủ động ngăn ngừa dịch bệnh

Ghi nhận của PV Báo SGGP, hiện Bình Phước đã bắt đầu vào mùa khô nhưng vẫn còn xuất hiện những trận mưa giao mùa, tạo độ ẩm cao, là điều kiện cho một số loại dịch bệnh gây hại phát sinh như chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng. Để hạn chế sâu bệnh, người dân đang chủ động làm cỏ trong gốc tiêu, tránh tổn thương vùng rễ kết hợp bón phân để cây tiêu sinh trưởng tốt. Anh Lê Thành Kiên (SN 1972, ngụ xã Bình Tân, huyện Phú Riềng) có vườn tiêu 2ha đang thời kỳ nuôi trái. Ngoài bón đạm, lân, kali, anh còn bổ sung thêm phân trung lượng (Ca, Mg) để hạn chế rụng hoa, quả non và thận trọng để tránh làm tổn thương bộ rễ, ngăn ngừa nấm bệnh xâm hại, giúp cây tiêu sinh trưởng, phát triển tốt. Anh Kiên và nhiều nông hộ ở Bình Phước đang kỳ vọng vào vụ thu hoạch 2021-2022 cho năng suất cao. 

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bình Phước khuyến cáo người trồng tiêu thường xuyên thăm vườn để phát hiện bệnh sớm, tăng cường bón phân hữu cơ vì trong phân hữu cơ có các vi sinh vật đối kháng với các nấm bệnh, tạo rãnh thoát nước tốt, không để úng ngập trong mùa mưa; làm cỏ bằng tay để tránh tổn thương bộ rễ; tỉa cành, cắt bỏ dây tiêu và dùng hoạt chất để phun lên cây bị rệp gây hại, tạo tán để tạo độ thông thoáng, dinh dưỡng cho mầm hoa vụ sau. Đồng thời, trung tâm cũng đề nghị các địa phương triển khai thực hiện kịp thời các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây tiêu trong mùa mưa để giảm thiểu thiệt hại, tăng năng suất trong vụ thu hoạch tới. 

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Bình Phước, cho biết, ngành đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Chương trình quản lý dịch bệnh tổng hợp trên các cây trồng chủ lực, trong đó cây tiêu được ưu tiên phát triển theo hướng sạch, an toàn, định hướng xuất khẩu; tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH Gia vị Nedspice Việt Nam liên kết phát triển mô hình sản xuất tiêu bền vững theo tiêu chuẩn R.A, VietGAP, thực hành nông nghiệp tốt (IPM), hướng tới phát triển bền vững cây tiêu.

Tin cùng chuyên mục