Lo ngại chính đáng

Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án hành lang xanh mang tên BarMar để bơm hydro xanh và các nhiên liệu tái tạo khác vào mạng lưới năng lượng châu Âu. 

Lãnh đạo 3 nước cũng hy vọng rằng đường ống sẽ cho phép vận chuyển một số khí đốt tự nhiên khác để giúp giảm bớt khủng hoảng năng lượng châu Âu do ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga và Ukraine.

Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera và người đồng cấp Pháp Agnès Pannier-Runacher có chung nhận định dự án phải đảm bảo tính an toàn cực cao và mất nhiều thời gian thực hiện. Các công ty xây dựng đường ống của cả 3 nước có thời hạn 12 tháng để trình bày một kế hoạch chi tiết. Thông tin chi tiết về dự án mới sẽ được tiết lộ tại một hội nghị năng lượng của 3 nước vào ngày 9-12 tới. 

Tuy nhiên, giới chuyên gia quốc tế bày tỏ hoài nghi về dự án mới vì cho rằng một đường ống dưới nước nối các cảng Barcelona và Marseille khó có thể giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu trong ngắn hạn. Euronews dẫn lời ông Jorge Sanz, Chủ tịch Ủy ban về chuyển đổi năng lượng Tây Ban Nha, cho biết: “Để đưa khí đốt từ Barcelona đến Marseille, không cần thiết phải xây dựng một đường ống dẫn mà chỉ cần chuyển hướng các con tàu chở khí đốt. Pháp không có kế hoạch thực hiện khoản đầu tư này vì hydro xanh sẽ có số lượng người tiêu dùng ít và việc đầu tư vào mạng lưới vận tải sẽ khó thu hồi nhanh”.

Fernando Garcia, nhà phân tích của RBC Capital Markets, có trụ sở tại London nghi ngại: “rõ ràng (BarMar) không sẵn sàng vào năm 2023 hoặc 2024, điều đó có nghĩa là nó sẽ không giúp gì cho cuộc khủng hoảng hiện tại. Ngoài ra, tác dụng của hydro xanh bị hạn chế trong ngắn hạn và trung hạn vì đây là một công nghệ đắt tiền và đang ở giai đoạn đầu nghiên cứu ở châu Âu”.

Các chuyên gia môi trường của Pháp cũng cho rằng quá trình nghiên cứu và chuẩn bị tài liệu liên quan dự án đường ống khí đốt mất quá nhiều thời gian, đường ống mới còn ảnh hưởng đến môi trường biển. Trong khi đó, Ủy ban chuyển đổi năng lượng Pháp đề xuất chỉ nên xây thêm cảng tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng, mô tả đây là “những khoản đầu tư nhỏ hơn, thu hồi nhanh hơn”.

Tin cùng chuyên mục