Lò gạch thủ công gây ô nhiễm

Theo Quyết định 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2020 là hạn chót để xóa bỏ các lò gạch thủ công. Thế nhưng hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước vẫn còn nhiều lò gạch thủ công hoạt động, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến người dân bức xúc. Đường dây nóng Báo SGGP đã tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân về vấn đề này.
Các lò gạch thủ công đốt bằng củi nên khói gây ô nhiễm môi trường
Các lò gạch thủ công đốt bằng củi nên khói gây ô nhiễm môi trường

Nhiều năm nay, gia đình chị Lê Thị Ái Vân (56 tuổi, ngụ tổ 4, ấp 2, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh) rất khổ sở với bụi, khói, và nhất là tiếng ồn bất kể ngày đêm từ hoạt động sản xuất gạch thủ công. Theo chị Vân, ban ngày còn đỡ chứ ban đêm thì tiếng ồn rất lớn, ở cách xa vài cây số vẫn nghe rõ. Nhà chị Vân ở gần nên tiếng ồn khiến mọi người không ngủ được, con cái không thể học hành. Không chỉ vậy, rác thải từ sản xuất gạch, từ sinh hoạt của công nhân vứt bữa bãi khắp nơi, thậm chí tràn qua cả nhà chị Vân, gây ô nhiễm môi trường.

“Tôi đã nhiều lần sang lò gạch yêu cầu họ không được vứt rác bừa bãi và có biện pháp giảm tiếng ồn nhưng không được, buộc tôi phải trình báo với chính quyền. Thế nhưng, tình hình chỉ giảm được mấy hôm rồi đâu lại vào đó”, chị Vân bức xúc.

Gia đình chị Nguyễn Thị Phương nằm cách lò gạch khoảng 1km nên đỡ bị tra tấn bởi tiếng ồn, nhưng do nhà chị nằm trên đường xe vận chuyển đất cho lò gạch đi ngang nên luôn hứng chịu “bão bụi” từ những chiếc xe này. Chị Phương cho biết, mỗi lần đoàn xe ben chở đất cho lò gạch chạy ngang là một trận “bão bụi” bay vào nhà chị. Bụi bay khắp từ vườn vào nhà, bám vào cây cối khiến cây không phát triển được, bám một lớp dày đỏ nâu lên bàn ghế, giường tủ và các vật dụng trong nhà khác. Chị phải đem bạt giăng quanh nhà và cho cháu nội về nhà ngoại ở để tránh bụi.

Theo chị Phương, việc bị bụi tấn công đã khiến sức khỏe của gia đình bị ảnh hưởng, nhất là hệ hô hấp, bởi mặc dù được vệ sinh liên tục nhưng trong mũi lúc nào cũng có cảm giác bụi đặc cứng khó thở.

“Chúng tôi đã đề nghị chủ các lò gạch mỗi tháng chỉ vận chuyển đất khoảng 1 tuần rồi sau đó nghỉ, và mỗi khi vận chuyển thì tiến hành tưới nước trên đường để hạn chế phần nào bụi bay, nhưng họ phớt lờ ý kiến này”, chị Phương nói.

Ông Hà Trung Quyền, Chủ tịch UBND xã Lộc Hưng, cho biết, hiện trên địa bàn xã có 12 lò gạch thủ công đang hoạt động; và trên thực tế, một số lò gạch chưa thực hiện nghiêm việc bảo vệ môi trường như đã cam kết với các cơ quan chức năng nên xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường như người dân phản ánh. Hiện xã đang gặp khó khăn trong quản lý vì các lò gạch này vẫn còn giấy phép hoạt động.

Theo lộ trình thì năm 2020, các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh nói chung và tại xã Lộc Hưng nói riêng phải ngưng hoạt động, thế nhưng hiện nay do chính quyền đang khó khăn về kinh phí hỗ trợ cho người dân nên chưa thực hiện được. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm do các lò gạch gây ra, UBND xã Lộc Hưng phối hợp các cơ quan chức năng cấp trên thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm nếu có.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Bình Phước có 44 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung với công suất 401 triệu viên/năm cung cấp cho các công trình xây dựng. Trung bình mỗi cơ sở sản xuất gạch ở đây có một dãy lò với 10-12 khoang, mỗi mẻ đốt kéo dài 10 ngày, và cũng từng ấy thời gian người dân phải hứng chịu ô nhiễm.

Ông Võ Văn Dinh, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Phước, thông tin, hiện nay riêng trên địa bàn huyện Lộc Ninh có 14 cơ sở sản xuất gạch đang hoạt động. Các cơ sở đã lập bản cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường và được UBND huyện Lộc Ninh xác nhận đã đăng ký theo quy định. Tuy nhiên, khi thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Lộc Ninh, Công an huyện Lộc Ninh tổ chức kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng khoáng sản đất sét của tất cả đơn vị sản xuất gạch ngói trên địa bàn huyện thì phát hiện nhiều vi phạm. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tàng trữ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp đối với 12 cơ sở, với tổng số tiền phạt 834 triệu đồng. Hiện Phòng TN-MT huyện Lộc Ninh đang tham mưu UBND huyện Lộc Ninh thành lập các đoàn kiểm tra định kỳ các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra của Sở TN-MT tỉnh Bình Phước cũng đã tiến hành lấy mẫu môi trường không khí xung quanh và một mẫu khí thải ống khói lò đốt tại cơ sở sản xuất gạch. Sau khi có kết quả phân tích, Sở TN-MT sẽ xem xét đánh giá về chất lượng môi trường không khí đối với hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch tại khu vực xã Lộc Hưng để có biện pháp xử lý phù hợp.

Tin cùng chuyên mục