Lo cháy nổ cửa hàng kinh doanh xăng, dầu, gas

Xăng, dầu, gas, khí hóa lỏng… là những chất dễ bén lửa, có nguy cơ cháy nổ rất cao khi tồn trữ, sử dụng. Thế nhưng, hiện nay tại nhiều cửa hàng kinh doanh các mặt hàng này, công tác phòng cháy chữa cháy của chủ cửa hàng, nhân viên và cả khách hàng đều rất lơ là. 

Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý các vi phạm của ngành chức năng ở nhiều nơi lại hời hợt, thậm chí bỏ ngỏ, khiến nguy cơ cháy nổ gia tăng. 

Tràn lan vi phạm

Đã có nhiều vụ cháy nổ cửa hàng kinh doanh xăng dầu (gọi tắt là cây xăng) xảy ra; đơn cử như vụ cháy cây xăng 102 nằm trên đường Phan Văn Hớn (phường Tân Thới Nhất, quận 12) vào ngày 1-10-2018, thiêu rụi 6 trụ bơm xăng, thiệt hại hàng tỷ đồng. Trước đó, tại cây xăng 72 (thuộc Công ty TNHH Quốc Thắng) cũng xảy ra nổ và cháy, khiến 5 trụ bơm xăng, 1 xe bồn và gần chục xe máy bị thiêu rụi.

Hậu quả để lại từ các vụ cháy xăng dầu là vô cùng lớn, song công tác PCCC tại hầu hết các cây xăng hiện nay đều không được chú trọng, nhất là chủ cửa hàng. Ghi nhận trong những ngày qua tại nhiều cây xăng trên địa bàn các quận 3, 5, 8, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, chúng tôi đều thấy có vi phạm.

Lo cháy nổ cửa hàng kinh doanh xăng, dầu, gas ảnh 1 Hiện trường vụ cháy cây xăng 102 trên đường Phan Văn Hớn (phường Tân Thới Nhất, quận 12)
Cụ thể, tại cây xăng Ký Thủ Ô nằm trên quốc lộ 50 (phường 5 quận 8), dù đang trong quá trình nhập xăng dầu từ xe bồn xuống hầm chứa, các nhân viên của cửa hàng vẫn bất chấp quy định của pháp luật, coi thường nguy hiểm, vô tư bán xăng cho khách. Hành vi vi phạm này diễn ra thường xuyên, kéo dài nhưng hiếm khi thấy chủ cửa hàng nhắc nhở, yêu cầu nhân viên khắc phục. Tại cây xăng Sài Gòn Petro, góc đường An Dương Vương - Nguyễn Văn Cừ (quận 5), cây xăng Comeco (ngã bảy Lý Thái Tổ, quận 10) cũng liên tục xuất hiện lỗi vi phạm tương tự.

Nguy hiểm hơn, cây xăng ở góc đường Ba Tháng Hai và Lê Đại Hành (quận 11) còn tổ chức rửa, sửa và dán keo xe ngay bên cạnh những trụ bơm xăng. Khách đến đổ xăng, rửa xe ngồi chờ vô tư phì phèo thuốc lá và vứt tàn ra xung quanh. Chẳng những không nhắc nhở khách, nhân viên cửa hàng cũng thi nhau đốt thuốc, thậm chí nghe điện thoại ở cây xăng. Khi chúng tôi hỏi không sợ cháy hay sao mà lại hút thuốc ở xây xăng, nhân viên bán xăng tại đây cười cười: “Biết vậy, nhưng thèm quá hút đại”. Đại diện quản lý cây xăng này tỏ ra bất lực khi cho biết thường xuyên nhắc nhở nhân viên, tuy nhiên không phải người nào cũng ý thức được!

Đối với các cơ sở kinh doanh gas, Nghị định 87 quy định rõ, diện tích cửa hàng không nhỏ quá 12m2, phải có 2 cửa (cửa trước và cửa sau - lối thoát nạn), tường nhà phải có bề dày hơn 20cm, không được bố trí nguồn lửa nguồn nhiệt bên trong; phải có khoảng cách an toàn với các thiết bị tạo lửa (ít nhất 3m)… Quy định là vậy, song thực tế vi phạm vẫn tràn lan. Hầu hết các cửa hàng kinh doanh gas hiện nay đều là nhà phố (dạng ống, vừa ở vừa kinh doanh), không có cửa sau để thoát nạn khi có sự cố. Tại cửa hàng kinh doanh gas N.Gas nằm trên đường Tạ Quang Bửu (phường 5 quận 8), chủ cửa hàng còn lắp đặt ổ điện ngay trong khu vực bố trí nhiều bình gas, thường xuyên tổ chức nấu ăn bằng bếp gas trong khu vực kho chứa nhiều bình gas.

Tăng kiểm tra, nâng ý thức

Theo Đại tá Huỳnh Văn Quyến, Phó trưởng Công an huyện Bình Chánh, hành vi vi phạm không ngưng bán xăng dầu trong quá trình nhập liệu (bơm xăng dầu từ xe bồn xuống kho chứa) là rất nguy hiểm. Bởi, khi nhập liệu, hơi xăng tỏa ra xung quanh nhiều, nếu nhân viên vẫn bán xăng, khách hàng ra vào vô ý hút thuốc, nghe điện thoại, hoặc không tắt máy xe, tạo nguồn lửa nguồn nhiệt, gặp hơi xăng sẽ dễ dẫn đến cháy nổ.

“Trường hợp xảy ra cháy nổ, thời điểm này, nhân viên cửa hàng đang bán xăng cho khách nên sẽ khó xử lý kịp thời đám cháy ngay khi phát sinh. Vì vậy, cháy lan cháy lớn xảy ra là đều tất yếu, hậu quả khôn lường”, Đại tá Quyến phân tích.

Đại tá Huỳnh Văn Quyến cho biết, hiểu rõ mối nguy hiểm cháy nổ từ các cây xăng, thời gian qua, Công an huyện Bình Chánh yêu cầu Đội Cảnh sát PCCC - Cứu nạn cứu hộ và công an các xã trên địa bàn tăng cường giám sát, theo dõi, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Tuy nhiên, đối với lỗi vi phạm không ngưng bán xăng dầu trong quá trình nhập liệu, lực lượng chức năng rất khó có thể kiểm soát hết, vì cán bộ không thể chốt trực 24/24 giờ. Trước đây, để hạn chế lỗi vi phạm này phát sinh, UBND TPHCM có văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu, khi nhập xăng dầu từ xe bồn xuống kho phải thông tin, phối hợp với cảnh sát PCCC phụ trách địa bàn triển khai, phòng ngừa khi sự cố xảy ra, việc xử lý đám cháy được kịp thời, tuy nhiên hiếm có cây xăng nào thực hiện. 

Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an TPHCM (PC07) cho biết, đơn vị này đang phối hợp với công an các quận - huyện tổng rà soát các cây xăng vi phạm quy định về PCCC, sau đó phân loại mức độ vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan đình chỉ hoạt động.

Ngoài ra, đơn vị cũng tham mưu Công an TPHCM yêu cầu công an các quận - huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn mới, trang bị kỹ năng PCCC, nâng cao ý thức cho chủ doanh nghiệp và nhân viên các cây xăng, cửa hàng kinh doanh khí hóa lỏng; đồng thời yêu cầu các cơ sở kinh doanh này phải lắp đặt màn hình chiếu, phát những quy định về PCCC ngay tại cửa hàng để mọi người xung quanh nắm rõ, phòng ngừa.

Tin cùng chuyên mục