Linh hoạt điều hành kinh tế

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại ngay trước thềm Tết Tân Sửu và vẫn đang diễn biến căng thẳng, nền kinh tế cần có sự chuẩn bị cho kịch bản cập nhật hơn.
TS Nguyễn Đình Cung
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, trong bối cảnh Việt Nam đang ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong cộng đồng, liệu có nên điều chỉnh dự báo tăng trưởng?

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG: Đúng là mức tăng trưởng có thể không cao như những dự báo được đưa ra trước khi dịch Covid-19 bùng phát trong cộng đồng, với sự xuất hiện của các biến chủng mới. Nhưng, đa phần các dự báo đều có tính toán nhiều kịch bản căn cứ trên diễn biến dịch bệnh Covid-19 và khả năng kiểm soát tình hình. Việc điều chỉnh chỉ tiêu ở thời điểm này là chưa cần thiết, song, điều chỉnh dự báo tăng trưởng thì nên làm. Quan trọng hơn, sau khi có cập nhật dự báo các kịch bản cho từng quý thì trên cơ sở đó điều hành một cách phù hợp và linh hoạt. Rõ ràng là khi tình hình xấu hơn so với trước thì phải có những giải pháp điều hành khác biệt, mạnh mẽ hơn, phi truyền thống, để đạt được kết quả tốt nhất có thể.

Một nghiên cứu vừa được phát hành của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, trong kịch bản bất lợi, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 có thể chỉ đạt 1,8%-2%, nghĩa là còn thấp hơn cả năm 2020 (2,91%). Ông có bình luận gì?

Cá nhân tôi cho rằng, thế giới đã không còn bị bất ngờ với Covid-19 và nhiều giải pháp, đặc biệt là triển khai tiêm chủng vaccine đang phát huy tác dụng tương đối tốt. Việt Nam, tuy có một số diễn biến phức tạp, nhưng về cơ bản vẫn đang kiểm soát được tình hình; không xảy ra đứt gãy cả cung và cầu như 1 năm trước đây. Vì vậy, kịch bản tăng trưởng 2% chắc không xảy ra. Theo tôi, nếu diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế có lẽ sẽ ở mức khoảng 5%-5,5%.

Ông có thể nói rõ thêm về “những giải pháp điều hành khác biệt, phi truyền thống”?

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, có lẽ, tất cả chúng ta đều buồn khi có một lượng hàng hóa nông sản của bà con nông dân Hải Dương và một số khu vực khác bị tồn đọng, hư hỏng vì không lưu thông được. Tại sao chúng ta vẫn có thể vận chuyển nông sản hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu mà lại không thông thương được giữa các tỉnh, địa phương. Rõ ràng, chúng ta có thể tiêu thụ hàng hóa nông sản cho bà con mà vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch. Đấy là một ví dụ để thấy, tình hình này đòi hỏi phải có ngay các giải pháp nhanh chóng, linh hoạt phù hợp với yêu cầu thực tế của cuộc sống. Nói cách khác, phát huy tính năng động, sáng tạo và quyết đoán của các cấp chính quyền, đổi mới cách thức ra quyết định là việc cần làm ngay vì có nhiều thứ không nên, thậm chí không thể áp dụng quy trình ra quyết định như cũ. Tư duy và phương châm hành động này chắc chắn sẽ phải tiếp tục trong năm 2021 và xa hơn nữa, vì sắp tới sẽ có rất nhiều biến động bất thường, không đoán trước được.

Ông có thể nêu một vài kiến nghị chính sách cụ thể theo phương châm vừa nêu không?

Chẳng hạn, trong bối cảnh hiện nay, Quốc hội có thể cho phép Chính phủ mở rộng chính sách tài khóa để kích cầu đầu tư tư nhân và tăng thêm đầu tư công vào các dự án quan trọng nhằm nhanh chóng cải thiện kết nối, cả hữu hình (giao thông) lẫn vô hình (hạ tầng số). Như vùng Đông Nam bộ hiện nay, thiếu kết nối giao thông đang là một lực cản rất rõ ràng đối với việc phát huy hết tiềm năng và lợi thế phát triển của vùng nói riêng và cả nước nói chung. Nếu kết nối giao thông được nhanh chóng cải thiện thì sẽ lưu thông, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và tiêu thụ trong nước dễ dàng hơn, nhanh hơn, chi phí thấp hơn, không còn tình trạng tắc nghẽn như hiện nay; đồng thời sẽ sử dụng được đầy đủ năng lực của các cơ sở hạ tầng hiện có (như cảng biển Cái Mép - Thị Vải) hiệu quả hơn, qua đó, hiệu quả sử dụng nguồn lực sẽ được cải thiện, và thu hút được thêm nhiều hơn đầu tư tư nhân…

Các dự án theo hướng đó vẫn đang được xúc tiến đấy chứ, thưa ông?

Nhưng phải nhanh, mạnh, nhiều hơn nữa và đặc biệt là hợp lý, hiệu quả hơn vì vừa qua, đối tượng, phạm vi, tiến độ thực hiện vẫn hạn chế. Bên cạnh đó, nên có những chương trình hay gói giảm thuế, miễn thuế mới và các hỗ trợ khác để kích thích, hỗ trợ đầu tư tư nhân trong bối cảnh bình thường mới. Thực tiễn cho thấy, vẫn có nhiều ngành nghề mới, sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới… có thể “thắng” trong và sau dịch Covid-19 rất cần được khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển.

Tất nhiên, ổn định vĩ mô vẫn phải tiếp tục được duy trì. Cải cách thể chế, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh phải được thực hiện mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, thực chất hơn, trên một phạm vi rộng lớn hơn trước đây đúng như tinh thần và nội dung của đột phá thể chế mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định.

Xin cảm ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục