Liều thuốc nào đặc trị căn bệnh thành tích?

Bệnh thành tích trong giáo dục khiến thầy không ra thầy, trò không ra trò. Để rồi không ít giáo viên hiện nay không muốn tiếp tục làm nghề dạy học.

Cứ mỗi dịp tổng kết năm học là dư luận xã hội lại xôn xao về thành tích của các em học sinh ở các trường. Người ta ví von, giấy khen của các em đổ xuống ào ào như lá mùa thu.

Biểu hiện của bệnh thành tích trong giáo dục thì nhiều vô kể và không quá khó để nhận diện căn bệnh này. Đó là sự thiếu trung thực trong học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, thi và kiểm tra đánh giá xếp loại; nể nang, thiếu dân chủ trong bình chọn, xếp loại thi đua, khen thưởng; cào bằng, dễ dãi trong suy tôn; che giấu hạn chế, yếu kém; áp đặt chỉ tiêu quá cao so với khả năng thực tế; thương mại hóa giáo dục dưới nhiều hình thức; tổ chức trao thưởng, các hình thức tôn vinh, các hội nghị, hội thi, gặp gỡ tri ân mang tính phô trương, hình thức, lãng phí làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, uy tín của ngành và sự công bằng trong giáo dục...

Căn bệnh thành tích từ lâu đã ăn sâu vào trong nhận thức, suy nghĩ của những nhà quản lý, của thầy cô giáo. Đồng thời đây cũng là áp lực đối với mỗi giáo viên khi họ đến lớp, làm chủ nhiệm. Trước thực trạng này, đòi hỏi ngành giáo dục phải hết sức quan tâm, tránh để các em tự hão huyền về thành tích của mình. Bởi nếu các em tự tin một cách thái quá, thành tích học tập của các em được công nhận một cách quá dễ dàng sẽ khiến các em có tâm lý quá tự hào về bản thân. Như vậy, nguy cơ sau này các em sẽ có những lệch chuẩn trong tương lai.

Có thể nói, chính chủ trương sáng kiến kinh nghiệm là một trong những nguyên nhân của bệnh thành tích. Thi đua dạy tốt học tốt là việc cần có trong mỗi nhà trường, thế nhưng phải tốt thật, chứ không phải gây áp lực theo hướng xấu. Cuộc thi mà không thiết thực, "diễn là chính" sẽ rất phản cảm.

Nói cách khác, hội thi liên quan tới "cơm, áo, gạo, tiền" của giáo viên và liên quan đến sự thăng tiến của cán bộ quản lý cơ sở nên giáo viên trở thành những diễn viên chính, học sinh buộc phải trở thành diễn viên phụ, cả hai cùng diễn cho ban giám khảo xem, đánh giá ai đạt, ai chưa đạt. Vì lẽ đó, không ít giáo viên "diễn" bằng mọi cách để đạt được kết quả tốt nhất chứ không đơn thuần tham gia cuộc thi là xuất phát từ mục đích nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và lại càng không phải vì học sinh. 

Tác hại của căn bệnh thành tích có nguy cơ làm cho nền giáo dục tụt hậu, không đáp ứng được yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài; làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào giáo dục và làm giảm sút vị thế của người thầy trong xã hội. Đồng thời, bệnh thành tích đã tạo sự bất bình đẳng trong giáo dục. Và quan trọng hơn, bệnh thành tích là mầm mống của nhiều loại bệnh khác trong giáo dục, làm cho nhiều giá trị trở nên lệch lạc...

Với những gì đang diễn ra trong thời gian gần đây khiến chúng ta không khỏi lo lắng: Chất lượng giáo dục không thực chất và bệnh thành tích trong giáo dục không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Thật đáng suy ngẫm trước phát biểu của một chuyên gia giáo dục rằng: Bệnh thành tích giáo dục khiến thầy không ra thầy, trò không ra trò. Để rồi không ít giáo viên hiện nay không muốn tiếp tục làm nghề dạy học.

Sự nghiệp trồng người là một hành trình dài lâu với trách nhiệm không chỉ riêng những người làm công tác giáo dục. Cho nên không thể nói là phụ huynh vô can với căn bệnh thành tích. Vì lẽ đó, gia đình, nhà trường, cộng đồng cùng với các nhà lập pháp, hoạt động chính sách cần ngồi lại với nhau, bàn sâu về công tác giáo dục thì mới đạt hiệu quả.

Muốn làm được việc này phải bắt đầu từ sự gương mẫu của những người đứng đầu các đơn vị, từ những chính sách của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT. Việc lập lại kỷ cương, nề nếp trong đánh giá, xếp loại và thi đua trong ngành giáo dục cần hướng tới chất lượng thật, danh hiệu thật. Có thế mới đảm bảo "dạy thật, học thật". Làm sao để mỗi học sinh đến trường đều được thoải mái, nhẹ nhàng, vui vẻ, đúng như câu khẩu hiệu được gắn ở các trường: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Báo SGGP Online mở Diễn đàn Chống bệnh thành tích trong giáo dục. Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ email: sggponline@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục