Liệu pháp “đặc trị” giải quyết khiếu nại kéo dài - Bài 1: Ghi điểm ở lĩnh vực nhà đất, xây dựng

LTS: Tình trạng thông tin phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền nhưng không được xử lý kịp thời, không được giải quyết đến nơi đến chốn là một trong những nguyên nhân chính khiến người dân bức xúc, khiếu kiện vượt cấp. Để góp phần khắc phục có hiệu quả tình trạng trên, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành Quy định 1374-QĐ/TU đặt ra quy trình tiếp nhận, giải quyết các thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cách làm sáng tạo và chưa có tiền lệ này không chỉ góp phần giải quyết nhanh việc của dân mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.

Thông qua Quy định 1374-QĐ/TU, chính quyền các cấp đã nhanh chóng vào cuộc giải quyết các thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân. Nhiều vụ việc, nhất là lĩnh vực nhà đất, xây dựng, đã được giải quyết, từ đó quyền lợi của người dân được đảm bảo. Không những vậy, chính quyền, cấp ủy các cấp cũng xem xét, xử lý trách nhiệm các cán bộ, đảng viên có sai phạm trong thực hiện chức trách công vụ, tiêu cực, tham nhũng...

Thối lại tiền tỷ cho dân

Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Kim Em (ngụ tại C18/3, ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh). Bà Em vừa ký nhận khoản tiền bổ sung hơn 5 tỷ đồng bồi thường do bị thu hồi đất. Trước đó, huyện Bình Chánh đã ra thông báo bồi thường khi thu hồi hơn 4.000m2 đất của gia đình bà Em để thực hiện dự án Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.

Tuy nhiên, theo bà Em thì huyện đã tính sót nhiều diện tích đất của gia đình nên bà khiếu nại quyết định thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, tái định cư của huyện Bình Chánh. Mặc dù bà Em khiếu nại nhiều lần nhưng vẫn không được giải quyết thỏa đáng, do vậy bà tiếp tục khiếu nại lên cấp trên, trong đó có Ủy ban Kiểm tra Thành ủy…

Bên cạnh việc đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho gia đình, bà Em cũng đồng thời khiếu nại quy trình giải quyết khiếu nại của UBND huyện Bình Chánh.

Tiếp nhận đơn của người dân, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy chuyển đơn, yêu cầu Huyện ủy huyện Bình Chánh chỉ đạo giải quyết vấn đề này theo Quy định 1374. Từ chỉ đạo trên, Huyện ủy chỉ đạo và UBND huyện yêu cầu Thanh tra huyện Bình Chánh vào cuộc xác minh, xem xét xét lại toàn bộ vụ việc.

Với sự tham mưu của cơ quan thanh tra, huyện Bình Chánh đã tính bồi thường bổ sung 50m2 đất theo loại đất vườn, ao và hơn 700m2 đất ở… cho gia đình bà Em, với số tiền chi trả bổ sung hơn 5,3 tỷ đồng.

Trả lời nguyên nhân để “lọt sổ” nhiều diện tích đất của người dân, trong đó có một lượng lớn diện tích đất được tính như đất ở, huyện Bình Chánh giải thích do bản đồ lưu trữ ở huyện xác định khoảng 700m2 nêu trên nằm trên kênh rạch nên huyện không tính bồi thường. Song, qua khiếu nại của người dân, huyện đề nghị Trung tâm Đo đạc bản đồ (Sở TN-MT TPHCM) kiểm tra thì xác định lại phần đất này không nằm trên kênh, rạch.

Cũng tại huyện Bình Chánh, ông Phạm Văn Nhẩm (xã Tân Kiên) sau nhiều lần phản ánh về một trường hợp xây dựng sai phép ở địa phương không có kết quả, đã gửi đơn đến HĐND TPHCM. Sau đó, HĐND thành phố chuyển đơn về địa phương, đề nghị xử lý theo Quy định 1374.

Cơ quan chức năng địa phương kiểm tra và xác định phản ánh của ông Nhẩm là đúng, sau đó UBND xã Tân Kiên vận động người vi phạm tự tháo dỡ phần xây dựng sai phép, kết thúc được phản ánh kéo dài của người dân.

Các vụ việc bức xúc, khiếu kiện kéo dài của người dân được các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc xử lý có kết quả (như các trường hợp nói trên) đã không còn là cá biệt, qua việc vận dụng Quy định 1374. Một dẫn chứng khác có thể thấy rõ hơn ở quận Gò Vấp: Từ năm 2013, người dân đã phản ánh vi phạm xây dựng tại số 703 đường Phạm Văn Bạch, nhưng đến hơn 4 năm sau, công trình không phép này vẫn chưa được xử lý.

Tuy nhiên, cuối năm 2017, khi báo chí thông tin về vụ việc, UBND quận vận dụng Quy định 1374 và chỉ đạo Chủ tịch UBND phường 12 chủ trì, phối hợp các phòng ban liên quan kiểm tra, xử lý công trình vi phạm xây dựng này. Vài tháng sau, UBND phường 12 vận động người vi phạm tháo dỡ phần vi phạm tồn tại nhiều năm - cũng là nguyên nhân khởi phát khiếu kiện kéo dài.

Không chỉ đối với các bức xúc kéo dài, thông qua việc vận dụng Quy định 1374, cơ quan chức năng quận Gò Vấp cũng xử lý nhanh chóng hơn các thông tin phản ánh mới phát sinh. Đơn cử, trong tháng 8-2018, báo chí phản ánh một công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất nằm trong hành lang bảo vệ sông rạch, lấn chiếm hành lang đường sắt tại phường 5.

Ngay sau đó, Đảng ủy phường chỉ đạo UBND phường báo cáo giải trình, xác định công trình được UBND quận cấp phép xây dựng tạm. UBND quận kiểm tra lại, kết luận việc cấp giấy phép xây dựng tạm là sai nên đã thu hồi, hủy bỏ giấy phép xây dựng nêu trên và xử lý tháo dỡ căn nhà đang xây dang dở đến tầng thứ 3. Như vậy, chưa đầy 2 tháng sau khi có thông tin phản ánh, trở lại hiện trường, phóng viên ghi nhận công trình đã được phá dỡ.

Cán bộ móc tiền túi bồi thường thiệt hại

Phó Bí thư Thường trực phụ trách Quận ủy quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng nhận xét, Quy định 1374 được nhiều đơn vị triển khai thực hiện và đã tạo sự chuyển biến bước đầu.

Tại quận Gò Vấp, bên cạnh xử lý các vụ việc theo phản ánh, Thường trực Quận ủy cũng yêu cầu xem xét, xử lý trách nhiệm các cán bộ, đảng viên liên quan đến các thông tin phản ánh. Trong vụ cấp sai giấy phép nói trên, UBND quận Gò Vấp xác định 4 cán bộ, công chức ở Phòng Quản lý đô thị có sai phạm trong thực hiện chức trách công vụ, gây thiệt hại cho người dân.

Liệu pháp “đặc trị” giải quyết khiếu nại kéo dài - Bài 1: Ghi điểm ở lĩnh vực nhà đất, xây dựng ảnh 1 Công trình ở phường 5 quận Gò Vấp xây đến tầng thứ 3 
(ảnh trái) thì bị xác định được cấp phép sai nên phải phá dỡ (ảnh phải)
UBND quận đã yêu cầu 4 cán bộ này phải thỏa thuận bồi thường cho chủ công trình vì tham mưu cấp phép sai khiến công trình phải đập bỏ (thiệt hại trên 500 triệu đồng). Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Lê Hoàng Hà khẳng định, dù đã thỏa thuận bồi thường thiệt hại cho chủ công trình bị phá dỡ nhưng các cán bộ liên quan nói trên vẫn đang bị xem xét, xử lý trách nhiệm về chính quyền lẫn kỷ luật về Đảng.

Từ đầu năm đến cuối tháng 9-2018, cấp ủy các cấp, các đơn vị của TPHCM đã xử lý hơn 1.320 thông tin phản ánh. Qua đó, có 59 đảng viên bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức khai trừ Đảng (1 trường hợp), cách chức (3), cảnh cáo (8) và khiển trách (47). Chính quyền các cấp cũng xử lý kỷ luật 93 trường hợp, với hình thức buộc thôi việc (2 trường hợp), cách chức (10), cảnh cáo (20 trường hợp), khiển trách (60 trường hợp), kéo dài thời gian xét nâng bậc lương (1).

Cũng trong vụ việc này, một công chức địa chính phường 12 đã bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng vì đã không phát hiện được sự “bất hợp lý trong giấy phép xây dựng”.

Tương tự, với công trình xây dựng không phép ở 703 Phạm Văn Bạch, dù  đã được tháo dỡ nhưng Quận ủy quận Gò Vấp vẫn yêu cầu Ủy ban Kiểm tra xem xét trách nhiệm của các cán bộ có liên quan, do để xảy ra xây dựng không phép và chậm xử lý. Cơ quan chức năng xác định được nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND phường 12 (hiện là lãnh đạo một phòng ban của UBND quận Gò Vấp - PV) đã thực hiện không đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, dẫn đến công trình sai phạm kéo dài.

Ngoài ra, có 3 cán bộ, đảng viên của phường 12 qua các thời kỳ phải chịu trách nhiệm liên quan. Hiện nay, Phòng Nội vụ quận đang tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm về chính quyền đối với các cá nhân vi phạm. Sau khi có kết quả xử lý về chính quyền, Ủy ban Kiểm tra Quận ủy sẽ xem xét, đề xuất Ban Thường vụ Quận ủy quận xử lý về Đảng đối với các đảng viên vi phạm.

Trong khi đó, đối với vụ khiếu nại vượt cấp của ông Phạm Văn Nhẩm, khi giám sát tại Huyện ủy Bình Chánh, Đoàn giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy phân tích nếu địa phương kịp thời ghi nhận, xử lý phản ánh của người dân thì không xảy ra khiếu kiện vượt cấp đến HĐND TPHCM.

Liệu pháp “đặc trị” giải quyết khiếu nại kéo dài - Bài 1: Ghi điểm ở lĩnh vực nhà đất, xây dựng ảnh 2     Một công trình xây không phép bị xử lý tại huyện Bình Chánh nhờ Quy định 1374                  Ảnh: KIỀU PHONG
Mặc khác, nếu các cán bộ có trách nhiệm của xã Tân Kiên phát hiện, ngăn chặn sớm thì không xảy ra vi phạm xây dựng, cũng không gây lãng phí cho người dân vì xây lên rồi phải tháo dỡ. Do đó, Đoàn giám sát đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Chánh cần xử lý việc thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trật tự xây dựng và để xảy xây dựng sai phép của cán bộ, lãnh đạo UBND xã này.

Xử lý tức thì thông tin từ báo chí

Từ đầu năm 2018 đến nay, Ban Thường vụ Đảng ủy Sở GTVT đã lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết nhiều thông tin do báo chí phản ánh theo Quy định 1734. Đơn cử, tháng 6-2018, báo chí phản ánh tình trạng “hụi chết” trên sông thì ngay trong ngày báo đăng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GTVT chỉ đạo làm rõ thông tin và giải quyết theo quy định.

Thực hiện chỉ đạo, Bí thư, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa (cơ quan có thông tin phản ánh) đình chỉ công tác các nhân viên liên quan và yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm. Từ đó, 5 cán bộ, nhân viên (có 3 đảng viên) bị kỷ luật với hình thức cách chức (1 trường hợp), cảnh cáo (3 trường hợp) và khiển trách (1 trường hợp). Các đảng viên còn bị kỷ luật về Đảng với các hình thức cách chức (đối với bí thư chi bộ), cảnh cáo và khiển trách.

Khi có thông tin phản ánh, việc Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GTVT trực tiếp chủ trì giải quyết và phân công nhiệm vụ cho các bộ phận liên quan tham mưu giải quyết ngay đã tạo tác động đến người đứng đầu cấp ủy các cơ sở đảng trực thuộc, có biện pháp giải quyết nhanh chóng các thông tin phản ánh và báo cáo kịp thời cho Ban Thường vụ Đảng ủy Sở. Đối với các trường hợp được xác định có vi phạm thì người đứng đầu cấp ủy, đơn vị có cán bộ, đảng viên vi phạm đều bị xử lý kiên quyết và công khai kết quả xử lý.

Đồng chí ĐẶNG THẾ TRUNG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Sở GTVT

Tin cùng chuyên mục