Liên tiếp xảy ra sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu

Chỉ tính riêng tại Đồng Tháp, từ đầu năm 2022 tới nay, tình trạng sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu đã gây thiệt hại gần 6 tỷ đồng.
Tình trạng sạt lở ven bờ sông Tiền, sông Hậu khiến nhiều hộ dân mất nhà cửa. Ảnh: QUỐC BÌNH

Ngày 15-10, đại diện chính quyền huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) cho hay, đã di dời khẩn cấp 17 hộ dân tại xã Tân Quới ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm. Trước đó, bờ sông Tiền đoạn qua xã Tân Quới, huyện Thanh Bình đã xảy ra sạt lở đất với chiều dài khoảng 30m, ăn sâu vào đất liền 22m, thiệt hại 1 chiếc xuồng máy và 2 hộ dân phải di dời khẩn cấp. 

Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm, trên bờ sông Hậu và sông Tiền qua địa phận tỉnh này, đã ghi nhận sạt lở tại 19 xã, phường, thị trấn của 4 huyện Thanh Bình, Hồng Ngự, Lấp Vò, Cao Lãnh và TP Cao Lãnh, TP Hồng Ngự với chiều dài khoảng 26,7km, diện tích gần 2ha. Ngoài ra, sạt lở còn xảy ra trên các sông, kênh, rạch nội đồng. Qua kiểm tra thực tế, tổng chiều dài vành đai có nguy cơ sạt lở toàn tỉnh là gần 132km, với khoảng 6.000 hộ dân đang sinh sống, cần phải di dời đến nơi ở mới an toàn.

Còn tại An Giang, từ ngày 10-10 đến nay đã xảy ra sạt lở đất bờ sông tại cồn Phó Ba, khu vực ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên. Đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 50m, chiều rộng hơn 1m, làm ảnh hưởng 50m đường giao thông và có khả năng sạt lở thêm khoảng 400m.

Tình trạng sạt lở còn xảy ra tại đoạn bờ Tây sông Hậu thuộc xã Quốc Thái, huyện đầu nguồn lũ An Phú làm ảnh hưởng đến nhiều hộ dân sinh sống tại khu vực này. Ông Nguyễn Văn Thoa (ngụ xã Quốc Thái) cho biết, có hai đoạn bị ảnh hưởng sạt lở, với chiều dài gần 100m, ăn sâu vào bờ từ 1-3m. Do bờ sông có độ dốc đứng, nếu mưa nhiều kết hợp với lũ về thì đoạn này có khả năng sạt lở và sẽ ảnh hưởng đến cả chục hộ dân đang sinh sống. “Địa phương đã vận động rồi chúng tôi cùng tham gia mua 300m3 cát đóng vào bao để lấp hố xoáy, nhằm hạn chế tạm thời, không để sạt lở tiếp”, ông Thoa nói.

Về nguyên nhân gây sạt lở, ngành chức năng các tỉnh An Giang, Đồng Tháp cho rằng có yếu tố khách quan do dòng chảy. Tuy nhiên, yếu tố con người gây tác động là chủ yếu bởi hoạt động khai thác cát, tàu thuyền lưu thông trên sông có nhiều loại công suất máy lớn, chạy tốc độ cao nên tạo sóng mạnh cũng góp phần đáng kể gây sạt lở.

Mỗi năm, các tỉnh ven bờ sông Tiền, sông Hậu đều phải dành ngân sách hàng trăm tỷ đồng để khắc phục hậu quả sạt lở, di dời người dân tới nơi ở mới.

Tin cùng chuyên mục