Liên minh - công nghệ giải trí đã lan tới Vpop

“Nhà” của hàng loạt ban nhạc đình đám xứ sở Kim chi là H.O.T, BoA, TVXQ, Super Junior, Girls’ Generation... đang nhắm tới thị trường Việt Nam.
NCT 127 là một trong những ban nhạc mang đậm tính công nghệ giải trí thế hệ mới của Hàn Quốc
NCT 127 là một trong những ban nhạc mang đậm tính công nghệ giải trí thế hệ mới của Hàn Quốc
Những ngày đầu tháng 12, trong chuyến biểu diễn tại Việt Nam, ông chủ Lee Soo Man SM Entertainment - “nhà” của hàng loạt ban nhạc đình đám xứ sở Kim chi là H.O.T, BoA, TVXQ, Super Junior, Girls’ Generation, EXO, đã hé lộ kế hoạch thành lập nhóm nhỏ mới trong đội hình nhóm nhạc NCT nhắm tới thị trường Việt Nam. Liệu động thái này có tạo nên một trào lưu mới cho nhạc Vpop? 
Công nghệ tạo “sao” 
Từ những ngày đầu hình thành làn sóng Hàn tới nay, SM Entertainment luôn là “đại gia” mạnh mẽ nhất của Kpop. Bí quyết thành công của SM chính là kim chỉ nam “CT” - Culture Technology hay “công nghệ văn hóa”. Về bản chất, công nghệ văn hóa là quá trình phát triển một nghệ sĩ được thực hiện theo công thức và mang tính chất kỹ thuật, tương tự sự ra đời của một sản phẩm tại các công ty công nghệ thông tin. Một trong những bước đi được kỳ vọng là sẽ đem đến sức lan tỏa mới của Kpop chính là tạo liên minh với các công ty địa phương và đưa công nghệ văn hóa tới các thị trường nội địa, các nhóm nhạc NCT đã ra đời.
NCT được viết tắt từ cụm Neo Culture Technology là thử nghiệm mới của SM Entertainment tại các thị trường nước ngoài với nhiệm vụ xuất khẩu Kpop. Đặc điểm của nhóm nhạc này là số lượng thành viên sẽ không cố định mà có thể tăng thêm, không giới hạn. NCT chính xác là một thương hiệu, với việc các thành viên cùng biểu diễn một ca khúc đồng thời ở nhiều thành phố trên thế giới, nhằm tạo ra các nội dung được địa phương hóa theo phong cách và ngôn ngữ ở từng khu vực.
Với việc không hạn chế bổ sung thành viên mới, NCT thay đổi hình mẫu các nhóm nhạc thần tượng ở thời điểm hiện tại. Và dự án đầu tiên của SM nhắm tới thị trường Vpop sau một thời gian bị “quên lãng” chính là việc lên kế hoạch thành lập phiên bản Việt của NCT. Tinh thần “hợp tác” để cùng phát triển ấy được thể hiện rất rõ trong buổi ra mắt truyền thông và gặp gỡ fan hâm mộ, vừa được NCT 127 tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 12 vừa qua. Tại đây, các thành viên của nhóm nhạc trẻ được ví như làn sóng mới của Kpop đã khiến người hâm mộ “xiêu lòng” bởi những câu nói tiếng Việt vô cùng dễ thương dù chỉ là những câu đơn giản như “Anh yêu em nhiều lắm”, “Tôi nhớ các bạn”... 
Ông Lee Soo Man của SM cũng bày tỏ mong muốn sớm thực hiện việc đào tạo các ngôi sao tại Việt Nam vì nơi đây có nhiều điểm tương đồng với Hàn Quốc, không chỉ bởi sự “cuồng nhiệt” của giới trẻ hâm mộ mà còn vì Việt Nam là một đất nước rất trẻ và năng động. Người sáng tạo của SM cho biết “sẽ tìm kiếm những tài năng tại Việt Nam để đào tạo họ trở thành ngôi sao toàn cầu”. Vị này cũng kỳ vọng NCT Việt Nam sẽ không chỉ nổi tiếng ở châu Á mà còn trở thành thần tượng trên toàn thế giới. 
Cơ hội hay xu hướng đã thoái trào?
Đã một thời, hàng loạt nhóm nhạc mang phong cách “Kpop từ A tới Z” đua nhau ra đời như 365, Lime, Monstar, Lip B, Unit5… Họ được đào tạo, định hình theo mô hình của nhóm nhạc thần tượng xứ Hàn. Các thành viên được chọn lựa từ cuộc thi nghiêm ngặt theo tiêu chí đẹp, độc và giỏi vũ đạo… Sự rập khuôn được tuân thủ tới mức mà chỉ cần họ hát bằng tiếng Hàn thì sẽ chuẩn “made in Korea”. Tuy nhiên, trào lưu này không kéo dài lâu, một phần do làn sóng Kpop đang dần lâm vào thoái trào, cộng thêm mô hình theo kiểu nhóm nhạc Hàn lại vướng phải chi phí quá lớn.
Tuy được coi là bắt đầu “thoái trào”, nhưng phải thừa nhận đây là quốc gia có nền công nghiệp âm nhạc phát triển bậc nhất châu Á. Nhiều nghệ sĩ trên khắp thế giới đều đổ về thị trường này để tìm kiếm cơ hội. Hồ Quỳnh Hương có thể được coi là một trong những ca sĩ có hợp tác sớm nhất khi ra mắt album tại cả thị trường trong nước và Hàn Quốc từ năm 2008. Sau đó, hàng loạt ca sĩ khác không chỉ hợp tác mà còn “chinh phục” thị trường Kpop, thậm chí còn hình thành cả các fan club tại xứ sở này như Noo Phước Thịnh, Đông Nhi…
Gần đây, Chi Pu cũng liên tiếp “tấn công” Vpop và cả Kpop bằng các sản phẩm theo công nghệ đào tạo “sao” kiểu Hàn mang nặng dấu ấn giải trí. Thành quả ban đầu thu lại của hotgirl hát vẫn “ồn ào” nhiều hơn là đón nhận, lại một lần nữa khiến nhiều người nghi ngờ về công nghệ đào tạo, bởi khó có thể tin được việc “không bột cũng gột nên hồ”.
Tuy nhiên, việc một “ông lớn” trong ngành giải trí của xứ sở Kim chi như SM để mắt tới Vpop tại thời điểm này vẫn tạo nên “phấn khích” mới với các tài năng trẻ trong nước. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ những cái bóng của Super Junior, Girls’ Generation, EXO… vẫn đang quá lớn. Thêm nữa, cũng chính nhờ có việc du nhập công nghệ Hàn mà nhiều ca sĩ Việt đã học hỏi được cách xây dựng hình ảnh, chăm chút hơn cho biểu diễn, khéo léo khi tương tác với khán giả. Dự án về một ban nhạc NCT phiên bản Việt cũng mở thêm nhiều cơ hội mới cho các bạn trẻ yêu nhạc… 

Tin cùng chuyên mục