Liên kết toàn cầu kiểm soát tội phạm mạng

Trong bối cảnh các nhóm tội phạm mạng lợi dụng nỗi lo sợ Covid-19 và nhu cầu sử dụng Internet cao trong giai đoạn dịch bệnh để tung ra các thủ đoạn mới, cuộc chạy đua tìm giải pháp để ngăn chặn tội phạm công nghệ cao đang gấp rút hơn bao giờ hết.
Cuộc sống diễn ra trên mạng nhiều hơn, do đó nguy cơ bị tấn công trở nên cao hơn bao giờ hết
Cuộc sống diễn ra trên mạng nhiều hơn, do đó nguy cơ bị tấn công trở nên cao hơn bao giờ hết

Muôn loại tội phạm

Tham nhũng, rửa tiền, tội phạm mạng, lừa đảo và giao dịch nội gián là những dạng thức tội phạm đang “góp gió” cho cơn bão khủng hoảng do Covid-19 gây ra. 

Trong báo cáo thường niên về tội phạm mạng mới đây, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cảnh báo, tin tặc chuyển hướng nhắm tới những đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch Covid-19 để chào bán những mặt hàng được quảng cáo có thể ngăn ngừa hoặc chữa khỏi căn bệnh này. Các băng nhóm tội phạm có tổ chức thường lợi dụng những đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người mới thất nghiệp và những doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để thực hiện hành vi phạm tội trên mạng. Các vụ tấn công bằng mã độc có chiều hướng gia tăng nhằm theo dõi các mục tiêu, đánh cắp dữ liệu và sau đó đe dọa bán đấu giá các dữ liệu này hòng tống tiền nạn nhân.

Tại Mỹ, Mạng lưới Chống tội phạm tài chính (FinCEN) thuộc Bộ Tài chính cũng xác định các xu hướng mới của tội phạm tài chính trong cuộc khủng hoảng Covid-19 là lừa đảo đầu tư, lừa đảo sản phẩm kinh doanh và giao dịch nội gián. 

Giải pháp

Trước tình hình này, ngày 11-10, các quan chức tư pháp hàng đầu của liên minh tình báo Five Eyes (gồm 5 nước Mỹ, Anh, Australia, Canada và  New Zealand), Ấn Độ và Nhật Bản đã yêu cầu các công ty công nghệ cài “cổng sau” (backdoor) vào các ứng dụng mã hóa cho phép các cơ quan thực thi pháp luật truy cập thông tin khi cần thiết nhằm kiểm soát tình trạng phạm tội trên mạng Internet.

Five Eyes là liên minh chia sẻ thông tin và dữ liệu tình báo lâu đời và thành công nhất thế giới. Trong một tuyên bố, liên minh này nhấn mạnh sự phát triển của các ứng dụng mã hóa đầu cuối như Signal, Telegram, Facebook Messenger và WhatsApp khiến việc giám sát chính thức là bất khả thi, điều này đặt ra những thách thức đáng kể cho sự an toàn của công chúng. Theo tuyên bố, liên minh yêu cầu các công ty công nghệ “gắn sự an toàn của công chúng vào hệ thống thiết kế, cung cấp quyền truy cập cho lực lượng thực thi pháp luật ở định dạng dễ đọc và dễ sử dụng”. 

Phản ứng trước vấn nạn quấy rối trực tuyến đang khiến nhiều thiếu nữ từ bỏ các nền tảng mạng xã hội, Facebook và Instagram cho biết đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để tìm kiếm các nội dung mang tính đe dọa cũng như liên tục theo dõi các báo cáo của người dùng về hành vi lạm dụng và luôn loại bỏ các mối đe dọa bạo lực tình dục. Về phần mình, Twitter cho biết đã sử dụng công nghệ giúp phát hiện các nội dung lạm dụng cũng như tung ra các công cụ cải thiện quyền kiểm soát của người dùng đối với các cuộc trò chuyện.

Tại Thái Lan, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan vừa thành lập đơn vị chuyên trách xử lý tội phạm mạng có tên gọi Cục Điều tra Tội phạm mạng (CCIB) với 333 cảnh sát trước mắt và sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế để truy quét các loại tội phạm máy tính. Trước đó, hồi tháng 8, cảnh sát liên bang Australia thông báo triển khai trên phạm vi quốc tế lực lượng đặc nhiệm nhằm truy bắt các tội phạm mạng đang nhắm đến người dân Australia thông qua các hình thức tống tiền, đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ cũng như âm mưu tấn công khủng bố. Lực lượng này sẽ có quyền bắt giữ những đối tượng khả nghi tại các nước châu Phi, châu Âu và Mỹ. Trong một động thái được cho là tích cực, mới đây Cố vấn An ninh nội địa và chống khủng bố của Nhà Trắng Thomas Bossert cho biết Chính phủ Mỹ sẽ đẩy mạnh hợp tác với Israel cũng như nhiều quốc gia khác để phát triển các phương thức mới giúp ngăn chặn hiệu quả nạn tấn công mạng.

Tin cùng chuyên mục