Liên kết phát triển du lịch TPHCM - Tây Nguyên

Đoàn công tác TPHCM vừa có chuyến khảo sát các sản phẩm du lịch tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum để ghi nhận, bàn thảo về giải pháp phát triển du lịch liên kết giữa TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên. 
Liên kết phát triển du lịch TPHCM - Tây Nguyên

Chưa khai thác hết tiềm năng

Tây Nguyên có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Đây là một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước có những nét đặc trưng riêng về tự nhiên và bản sắc văn hóa, có thể tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù để cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, một số địa điểm ở Tây Nguyên có khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm, là điều kiện tự nhiên lý tưởng để xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Nơi đây cũng được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, là nơi cư trú của 47 dân tộc anh em nên đã tạo ra một kho tàng văn hóa đặc sắc nhất trong cả nước. 

Thời gian qua, việc liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh Tây Nguyên và TPHCM có những thuận lợi nhờ hạ tầng là các tuyến quốc lộ 13, 14, cảng hàng không. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết, giữa TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên đã có các chương trình hợp tác trên lĩnh vực du lịch. Nội dung hợp tác xoay quanh các vấn đề như: trao đổi kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về du lịch; hợp tác công tác xúc tiến du lịch; bảo vệ phát triển sản phẩm du lịch; bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực.

Qua hợp tác, đã có một số kết quả đáng ghi nhận như: ngành du lịch các địa phương đã thông tin với nhau về kế hoạch tổ chức các sự kiện, lễ hội tiêu biểu cho các doanh nghiệp lữ hành để cùng phối hợp tham gia, quảng bá, thu hút du khách, đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp lữ hành khai thác kết nối các sản phẩm du lịch. 

Qua khảo sát của các doanh nghiệp, hơn 60% lượng khách du lịch đến Tây Nguyên từ các đơn vị lữ hành ở TPHCM. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho rằng, bên cạnh những điều đạt được, việc liên kết giữa TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn một số hạn chế như: công tác xúc tiến quảng bá chưa đúng với tiềm năng, khoảng cách di chuyển giữa các tỉnh Tây Nguyên với nhau còn xa… 

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp TPHCM 

Để du lịch phát triển, khai thác hiệu quả, đại diện các đơn vị du lịch, lữ hành TPHCM đề xuất các tỉnh cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch trong tỉnh, liên tỉnh; đầu tư hạ tầng du lịch lưu trú, dịch vụ ăn uống đạt chuẩn để phục vụ du khách; chú trọng đào tạo nhân lực du lịch; bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa tại các buôn làng. Bên cạnh đó, các địa phương cần có công viên rừng để cho du khách trải nghiệm; xây dựng làng du lịch, xây dựng chợ đêm... 

Liên kết phát triển du lịch TPHCM - Tây Nguyên ảnh 1 Đồng chí Phan Thị Thắng (thứ 2 từ trái qua) và lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai khảo sát Vườn quốc gia Kon Ka Kinh

Theo bà Trần Thị Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hồng Ngọc Hà, các tỉnh hầu hết đưa điểm đặc sắc vào sản phẩm du lịch, nhưng lại chưa có sản phẩm rõ ràng theo từng chủ đề, từng cụm. Vì thế, lãnh đạo các tỉnh cần định hướng xây dựng sản phẩm theo chuyên đề, có thể kết hợp với đơn vị để quảng bá sản phẩm.

Bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết, tỉnh xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch địa phương đang gặp khó như: nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch chưa tương xứng tiềm năng; việc thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào lĩnh vực chưa nhiều; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đa số là doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực tài chính, nhân lực thiếu sức cạnh tranh; chất lượng nguồn nhân lực du lịch có mặt chưa đáp ứng được nhu cầu. 

Vì thế, bà Y Ngọc cho rằng, tỉnh Kon Tum mong muốn UBND TPHCM và Sở Du lịch TPHCM tiếp tục quan tâm, phối hợp hiệu quả; các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với địa phương để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Phía tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cũng như hỗ trợ kịp thời, giải quyết những khó khăn để cùng địa phương khai thác hết tiềm năng.

Đồng chí Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, để thu hút khách du lịch thì các tỉnh và TPHCM cần chung tay làm ra các sản phẩm. Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cần có chính sách, thông tin, quy hoạch rõ ràng, nhu cầu đầu tư cụ thể để doanh nghiệp TPHCM có điều kiện tiếp cận, chung tay với tỉnh xây dựng các sản phẩm vừa đáp ứng nhu cầu của du khách, vừa phù hợp đặc trưng của vùng Tây Nguyên, giữ lại được bản sắc văn hóa.

Đồng chí Phan Thị Thắng cũng mong muốn, UBND các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ dịch vụ và nguồn nhân lực để tăng cường liên kết và hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp TPHCM.

Tin cùng chuyên mục