Liên kết đưa thực phẩm an toàn, chất lượng vào siêu thị

Trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với thực phẩm, nông sản, mới đây nhà bán lẻ Saigon Co.op đã bắt tay với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao xây dựng chuỗi liên kết 4 nhà để đưa thực phẩm an toàn, chất lượng cao đến bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình Việt.
Ký kết hợp tác triển khai dự án Bàn ăn xanh
Ký kết hợp tác triển khai dự án Bàn ăn xanh

Cái bắt tay đầy kỳ vọng

Đối với người tiêu dùng thì chất lượng hàng hóa, nhất là thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt sau dịch Covid-19, người tiêu dùng càng chú trọng chọn mua những sản phẩm “sạch” đúng nghĩa, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và được sản xuất theo tiêu chuẩn cao nhất. Chính vì vậy, các nhà bán lẻ đang đặt ra những yêu cầu cao hơn cho nhà cung cấp thực phẩm, nông sản thông qua rà soát, kiểm soát chất lượng hàng hóa kinh doanh trên toàn hệ thống, cũng như phối hợp với nhà cung cấp sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng cao đến tay người tiêu dùng.

Là nhà bán lẻ đang phục vụ hàng triệu khách hàng Việt mua sắm mỗi ngày, ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết, năm 2022 trong bối cảnh nhu cầu người tiêu dùng thay đổi từ ăn no sang ăn an toàn, thực tế cho thấy chứng nhận cho các sản phẩm vẫn đang là một khoảng trống. Do vậy, việc đưa sản phẩm an toàn ra thị trường là việc làm thiết thực, đem lại lợi ích cho cả xã hội. 

Trước tình hình đó, cuối tháng 11-2022 Saigon Co.op đã ký kết cùng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao triển khai xây dựng dự án nâng cao tiêu chuẩn nông sản, thực phẩm với tên Bàn ăn xanh. Trong giai đoạn đầu (2022-2023), dự án sẽ thí điểm trên một số nhóm sản phẩm với mặt hàng rau quả, thịt và thủy sản (đáp ứng đầy đủ một bàn ăn gia đình). Giai đoạn tiếp theo, dần mở rộng nhiều sản phẩm, đối tác cung ứng hàng hóa có tiềm lực để tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Đây là sáng kiến nhằm xây dựng chuỗi liên kết, kết hợp giữa nhà sản xuất - nhà kỹ thuật - nhà phân phối - nhà nước với mục đích đảm bảo sự an toàn và nâng cao chất lượng các bữa ăn hàng ngày cho mỗi gia đình Việt. 

Theo ông Lê Trường Sơn, mục tiêu của dự án Bàn ăn xanh nhằm xây dựng mối liên hệ chặt chẽ và bền vững giữa người tiêu dùng - nhà phân phối - nhà sản xuất dựa trên lòng tin và kiến thức chuyên gia về an toàn sản phẩm trong tiêu dùng. Không chỉ vậy, dự án Bàn ăn xanh còn là một nỗ lực liên kết với các tỉnh ĐBSCL theo mô hình hợp tác công - tư, xâu chuỗi và thúc đẩy việc nâng cao và duy trì tiêu chuẩn của nông đặc sản đồng bằng, thống nhất và đồng bộ từ khâu canh tác, phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn đến khâu sản xuất, chế biến an toàn, thông qua kênh tiêu thụ tiếp cận đến thị trường mà trước hết là phục vụ cho chính nhu cầu hàng ngày của người Việt Nam.

Đưa thực phẩm chuẩn hội nhập tới người tiêu dùng

Bộ tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập cho ngành thực phẩm ra đời với sứ mệnh tăng cường lòng tin thị trường đối với thực phẩm Việt, tạo cơ hội cho doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm an toàn, có trách nhiệm với khách hàng và xã hội. Bộ tiêu chí được Bộ KH-CN cấp nhãn hiệu chứng nhận và đã cùng nhiều tổ chức quản lý tiêu chuẩn trong nước, quốc tế như GMP+, GlobalGAP thừa nhận lẫn nhau.

Đối với dự án Bàn ăn xanh, các nhà sản xuất có sản phẩm tham gia dự án này ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập còn phải đáp ứng tiêu chí về an toàn sức khỏe nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, các hoạt động bảo vệ môi trường… Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, chia sẻ, xu hướng thương mại xanh gắn với hoạt động bảo vệ môi trường, tái sinh, tái chế chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, sau quá trình sử dụng. Điều này không chỉ diễn ra tại thị trường nội địa mà đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng chặt chẽ. Gần đây nhất, tháng 11-2022, Liên minh châu Âu đã ban hành quy định về báo cáo bền vững. Theo đó, các DN không những phải báo cáo hoạt động sản xuất bền vững, an toàn cho môi trường của mình mà còn chịu trách nhiệm cho các DN đối tác trong hệ sinh thái cung ứng. Trường hợp các DN trực tiếp hoặc gián tiếp không chấp hành quy định về an toàn môi trường sẽ bị loại bỏ khỏi hệ thống cung ứng. Do vậy, giải pháp trên được xem là cần thiết để từng bước hỗ trợ DN trong nước tiếp cận xu hướng thương mại xanh hiện nay.

“Việc xây dựng và tham gia dự án cũng đem lại lợi ích thiết thực cho các tác nhân ở hầu hết các khâu: tạo điều kiện thuận tiện cho nhà phân phối truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi cần thiết. Đây cũng là cơ sở vững chắc nhằm chủ động giảm giá thành sản phẩm trong các khâu của chuỗi; nhà sản xuất có khả năng kiểm soát và quản lý cơ sở của mình tốt hơn, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đây là cơ sở vững chắc trong việc xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh đầu ra, tiến tới ổn định sản xuất”, ông Lê Trường Sơn kỳ vọng.

Đáng chú ý, việc áp dụng quản lý sản phẩm trong dự án giúp thuận tiện hơn trong giám sát, quản lý chất lượng. Cơ quan chức năng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong trường hợp có xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm; giúp người tiêu dùng tự bảo vệ mình với hiệu quả cao nhất. Việc ý thức trách nhiệm cao trong kiểm soát chất lượng hàng hóa trên đã và đang giúp người tiêu dùng Việt yên tâm hơn khi mua sắm tại các kênh bán lẻ của Saigon Co.op.

Tin cùng chuyên mục