Liên kết để phát triển

Vấn đề liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) để DN tiến xa hơn trong hoạt động kinh doanh của mình luôn được nhắc lại nhiều lần tại các hội thảo, cuộc họp lớn. Bởi đây là xu thế tất yếu trong tiến trình hội nhập. Một DN nhỏ rất khó để “vươn ra biển lớn”, nhưng nếu có sự cộng hưởng từ các DN có thế mạnh, thì việc chinh phục thị trường sẽ bớt chông gai. 

Thêm nữa, một “làn sóng” mua cổ phần, rót vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cũng rất đáng quan tâm. Nhiều ý kiến nhận định rằng, DN cũng có thể tranh thủ nhận vốn góp từ nhà đầu tư nếu cảm thấy “đuối sức”, trong khi bản thân vẫn mong muốn đeo đuổi đam mê phát triển thương hiệu.

Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng năm 2019 ước tính đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 8 tháng, còn có 5.235 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 9,51 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ. 

Mới đây, thông tin nông sản xuất khẩu của Việt Nam xuất sang một số thị trường bị siết chặt đối với các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ… Có những thị trường từng được xem là dễ tính với hàng Việt, nay cũng đưa ra các tiêu chuẩn cao hơn.

Điều này thực sự khiến bà con nông dân, các DN thu mua nông sản bất ngờ. Dẫn chứng trên đây để thấy rằng, hàng xuất khẩu bây giờ, thậm chí ngay cả tiêu thụ nội địa, cũng không phải là lúc làm ăn manh mún, mạnh ai nấy làm. DN phải đáp ứng đầy đủ hàng loạt tiêu chí an toàn cả trong nước lẫn quốc tế, trong đó người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng, quyết định tiêu dùng hoặc tẩy chay sản phẩm nếu không tốt, ảnh hưởng sức khỏe…

Trong thời buổi mạng xã hội, công nghệ thông tin được lan truyền mạnh mẽ như hiện nay, chỉ cần kinh doanh ẩu, dễ dãi, sẽ nhận cái kết “đắng”. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, bài toán quy hoạch vùng nuôi trồng thủy hải sản, nông sản an toàn… tiếp tục được nhắc lại. Rõ ràng, nhiều năm qua, DN bỏ quên hoặc chưa quan tâm thực sự đến chuỗi liên kết - được xem như yếu tố gắn kết sức mạnh của DN. 

Tuy vậy, việc liên kết giữa các DN với nhau, hoặc thu hút các nhà đầu tư lớn không chỉ gói gọn bằng các hợp đồng cứng nhắc, những con số khô khan…

Một số chuyên gia kinh tế khuyến cáo, DN trong nước cần chủ động thay đổi mình, bao gồm: đổi mới phương pháp quản trị, công nghệ, chiến lược phát triển sản phẩm, khai thác kỹ các thông tin liên quan đến những hiệp định thế hệ mới, tìm cách tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, hiểu được những rủi ro có khả năng gặp phải trong tiến trình hội nhập.

Mặt khác, Nhà nước cũng chủ động hỗ trợ DN thông qua các kênh hỏi đáp, tuyên truyền, cảnh báo; thường xuyên mở các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức hội nhập, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ.

Tin cùng chuyên mục