Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20: Phim Việt ngày càng trẻ nhưng khó đi xa

Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 20 đã khép lại với nhiều ý kiến trái chiều. Ở tuổi đôi mươi, LHP chứng minh được sức trẻ thông qua 16 phim truyện điện ảnh dự thi. Sự vắng mặt của dòng phim nhà nước lần này dù có chút hụt hẫng, nhưng càng làm bật lên nét tươi mới của dòng phim tư nhân. Tuy nhiên, để vươn ra “biển lớn” lại là câu chuyện khác.  
Một nền điện ảnh trẻ hóa
Nhìn vào những cái tên nổi bật như đạo diễn Vũ Ngọc Phượng, Đinh Tuấn Vũ, Văn Công Viễn, diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc, Miu Lê, Jun Vũ, Angela Phương Trinh, Bê Trần, Võ Cảnh, Diễm My... đều thuộc thế hệ 8X, 9X, thậm chí nữ diễn viên chính của phim Em chưa 18 - Kaity Nguyễn, mới 17 tuổi.  
Chính vì tuổi đời, tuổi nghề của các nhà làm phim trẻ nên chủ đề phim khá gần gũi với tâm lý giới trẻ. 10/16 phim nói đến chuyện yêu đương nam nữ của những người trẻ (Cho em gần anh thêm chút nữa, Chờ em đến ngày mai, Sài Gòn anh yêu em, Sứ mệnh trái tim, 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy, Bạn gái tôi là sếp, Bao giờ có yêu nhau, Cô gái đến từ hôm qua, Em chưa 18, Sắc đẹp ngàn cân). Tình yêu trong phim Việt hiện nay phản ánh qua diện mạo 10 phim giải trí dự LHP toát lên nhiều nét mới ở cách tiếp cận, giải quyết vấn đề.   
12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy khai thác về chiêm tinh học - một khía cạnh được giới trẻ trong nước rất quan tâm trong những năm gần đây, nhưng chưa từng được phim Việt nào đề cập.
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20: Phim Việt ngày càng trẻ nhưng khó đi xa ảnh 1 Sứ mệnh trái tim - phim về đề tài người lính nhưng trẻ trung, tươi mới
Sứ mệnh trái tim nói về cô giáo trẻ lên vùng cao dạy học, đội công binh rà phá bom mìn với cách mô tả hình ảnh người lính, cuộc sống quân ngũ lãng mạn, thi vị (đàn hát, vẽ mặt hề, nướng thịt giữa rừng để mừng sinh nhật, thỉnh thoảng cởi trần khoe hình thể săn chắc...). Hình ảnh người dân vùng sâu, vùng xa (nhân vật A Hú) cũng theo hướng là những kẻ cơ hội, biết nắm bắt thời cơ, chứ không theo lối mòn cứ hễ dân nghèo là chân chất, quê mùa. Do đó, những thông điệp tưởng chừng khô khan lại dễ đi vào lòng khán giả hơn, nhất là khán giả trẻ.
Chờ em đến ngày mai là tình yêu giữa thần tượng và người hâm mộ, lồng trong màu sắc giả tưởng (con chó biết nói tiếng người).
Em chưa 18 được yêu thích bởi mang phong cách rất Tây, từ bối cảnh học đường, không ngần ngại đề cập chuyện tình dục, đưa vào các khái niệm như Prom night (dạ tiệc cuối cấp), cheerleader (cổ vũ viên), King & Queen (vua và nữ hoàng của đêm tiệc)… Em chưa 18 không chỉ chạm đến trái tim của các bạn trẻ mà còn cả người lớn.  
Không chỉ mang nội dung trẻ trung, phong cách thể hiện mới lạ, 16 phim Việt dự thi còn cho thấy sự tiến bộ về mặt kỹ thuật. Cô hầu gái là phim kinh dị Việt đầu tiên chiếu phòng 4DX với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, nước, gió.
Sắc đẹp ngàn cân phô diễn công nghệ hóa trang độn người.
Cô Ba Sài Gòn lần đầu khai thác đề tài xuyên không.... Ít nhất, sự chịu chi của nhà đầu tư về mặt âm thanh, hình ảnh đã góp phần giúp phim Việt đạt “chuẩn” khi đi ra nước ngoài.    
Chiến thắng của Em chưa 18 ở hạng mục cao nhất Bông sen vàng, cùng giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Kaity Nguyễn là phần thưởng xứng đáng. “Tôi thật sự cảm thấy bất ngờ vì những năm trước, các phim được khán giả bình chọn, có doanh thu cao rất khó được vinh danh. Giải thưởng này cho thấy sự công nhận của ban giám khảo về chất lượng nghệ thuật của phim dựa trên những đánh giá khắt khe”, đạo diễn Lê Thanh Sơn chia sẻ.
Anh cho biết thêm, xu hướng trẻ hóa tại LHP năm nay là một điều tất yếu, cho thấy những khởi đầu mới của điện ảnh Việt. Theo anh, cái mới, cái trẻ đang chớm nở cũng cần có thêm thời gian để củng cố về mặt chiều sâu như kỳ vọng của khán giả.
Trưởng Ban giám khảo Phim truyện, NSND Đặng Nhật Minh nhận xét: “Nhìn chung, điện ảnh Việt đang trẻ lại nhờ có nhiều đạo diễn, biên kịch, diễn viên trẻ và cách đặt vấn đề cũng trẻ, điều này đúng quy luật thôi, do xã hội thay đổi. Dòng phim giải trí chất lượng tiến bộ, coi cũng dễ chịu hơn, bớt hài nhảm, bớt việc gây cười nhờ yếu tố ngoại hình”.  
Không dễ vươn xa
Nội dung phim có nhiều nét mới, chất lượng kỹ thuật đủ chuẩn, nhưng chất trẻ vẫn chưa đủ sức giúp phim Việt đi xa hơn đến bạn bè quốc tế. Hội thảo “Con đường đưa điện ảnh ASEAN ra thế giới” tổ chức trong khuôn khổ LHP đã cho thấy thực trạng khó khăn đó của phim Việt. Nhà sản xuất, nữ diễn viên Hồng Ánh chia sẻ kinh nghiệm đưa phim Đảo của dân ngụ cư chu du qua các LHP quốc tế: “Trước tiên, câu chuyện phải có tính bao quát, nhưng vẫn mang bản sắc riêng của dân tộc, thể hiện được câu chuyện dưới góc nhìn của người Việt. Tiếp đến, cần lựa chọn cách kể phù hợp với số đông công chúng. Cũng cần phải có sự hợp tác của các chuyên gia quốc tế trong một số khâu. Đảo của dân ngụ cư mời chuyên viên chỉnh màu, dựng phim người nước ngoài”.
Căn cứ vào chia sẻ của nghệ sĩ Hồng Ánh, có thể thấy, phim Việt hiện nay mới chỉ đạt được một yêu cầu để có thể đi xa, là mời chuyên gia nước ngoài tham gia một số khâu để chuyên nghiệp hóa bộ phim.  
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20: Phim Việt ngày càng trẻ nhưng khó đi xa ảnh 2 Đảo của dân ngụ cư - đại diện cho dòng phim nghệ thuật tại LHP năm nay
Với kinh nghiệm học tập và làm việc tại môi trường điện ảnh nước ngoài, đạo diễn Lê Thanh Sơn tỏ ra lạc quan hơn: “Muốn tiến ra nước ngoài, cần thực hiện song song hai việc, đó là sản xuất được một bộ phim tốt, có câu chuyện hay, kỹ thuật chỉn chu và bám rễ vào chủ đề dân tộc. Chúng ta đang có khoảng cách khá xa với điện ảnh thế giới nhưng không phải không thể bắt kịp. Điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được với sự năng động, táo bạo của sức trẻ và kinh nghiệm, sự dẫn dắt của thế hệ đi trước”.
Nhưng đó cũng chỉ là một trong những điều kiện cần. Điều kiện đủ và cốt lõi là tìm được tác phẩm đậm chất Việt. NSND Đặng Nhật Minh thẳng thắn: “10/16 phim dự thi năm nay là phim giải trí. Những phim giải trí dù có doanh thu trong nước cao đi nữa cũng khó có cơ hội đem đi giao lưu với thế giới, vì không ai lại rước phim giải trí sang để coi nước bạn họ đang giải trí cái gì”. 
Phim về những vấn đề xã hội rất khó nhận được lựa chọn của các nhà sản xuất tư nhân. Mảng đề tài này cần phải có sự giúp sức của Nhà nước. Nhìn sang bước bạn, Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) có một quỹ thành lập từ năm 2005 với nguồn tiền lấy từ 3% tiền vé xem phim bán ra, dùng để hỗ trợ các nhà làm phim độc lập. Ở ta, việc thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh đã được đưa ra trong Luật Điện ảnh, ban hành từ năm 2007, nhưng đến nay chưa thể thực hiện vì vướng hành lang pháp lý. Những khó khăn đó đã khiến phim Việt khó vươn xa ra tầm khu vực, nói chi vươn ra thế giới.  
Một kỳ LHP nữa đã khép lại với nhiều tín hiệu tương đối đáng mừng đến từ lực lượng làm phim trẻ. Diện mạo điện ảnh Việt qua LHP Việt Nam 2017 đã thấy rõ sự biến đổi theo chiều hướng tích cực, tuy nhiên để điện ảnh Việt vươn cao vươn xa có lẽ vẫn còn là “giấc mộng đêm hè”.

Tin cùng chuyên mục