Lịch sử trong miền ký ức

Kết thúc hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Sài Gòn - TPHCM vươn mình thay đổi, nhưng còn đó những con đường, góc phố mang ký ức của một thời cha ông hy sinh đến tận cùng vì một ngày thống nhất non sông. Lớp người tiếp nối có trách nhiệm giữ gìn di tích, kỷ vật hôm qua để nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau.

1. Lá thư đã ngả màu thời gian được bà Huỳnh Thị Minh Tâm (con gái của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Huê), nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM, trân trọng trao lại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ TPHCM, kể về câu chuyện chia cách, mất mát trong những ngày lửa đạn.

Những dòng thư xúc động được ông Huỳnh Văn Một (cha của bà Huỳnh Thị Minh Tâm), nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 308 - Nguyễn An Ninh, viết: “Gửi hai con: Minh Tâm, Anh Điền. Ba vô cùng đau đớn báo cho hai con, nỗi đau buồn, thương tiếc, khiến lòng ba xúc động bùi ngùi. Má con đã từ trần hồi 18 giờ 15 phút ngày 13 tháng 10 năm 1971, tại Binh xá Ban Dân y miền Nam vì lâm bịnh. Má con tuy hình hài đã mất, nhưng tinh thần và lý tưởng luôn sống mãi trong tâm não của ba, trong huyết quản và hình dáng của các con. Các con hãy biến đau thương thành công tác tốt, học tập đạo đức má con. Các con hãy lấy hy vọng ngày mai quê hương đất nước hòa bình, độc lập mà lau khô dòng nước mắt, phấn đấu tiến lên tiếp tục sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là thỏa lòng hoài bão của má con”. 

Miền ký ức năm ấy, trở thành hành trang theo suốt cuộc đời bác sĩ Huỳnh Thị Minh Tâm. Bà về hưu, tiếp tục hành trình sống xứng đáng với ngày hôm qua của ba má mình, qua việc thành lập Quỹ Hỗ trợ giáo dục và tài năng thể thao học đường TPHCM. Bà tâm niệm: “Ba má tôi tham gia kháng chiến, ông nội tôi mất trong lúc hoạt động cách mạng, em tôi mất ở chiến trường biên giới Tây Nam. Gia đình tôi 3 thế hệ đều tham gia kháng chiến và tôi nhớ mãi lời ba dặn - đồng bào đã cưu mang gia đình mình, nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng… Vì thế mà khi có thể làm điều gì đó đóng góp cho xã hội, tôi đều cố gắng vẹn tròn, như để viết tiếp điều mà ba má mong đợi”.

2. Sống tiếp và xứng đáng với những hào hùng của thế hệ hôm qua, từng kỷ vật, từng di tích được người hôm nay giữ gìn phục dựng. Trong buổi tiếp nhận hiện vật của chương trình giao lưu “Sống tiếp ước mơ” lần 2, sáng 26-8 do Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức, một thời hào hùng, tài tình của thế hệ Biệt động Sài Gòn cũng được anh Trần Vũ Bình (con trai Anh hùng LLVT Nhân dân Trần Văn Lai) tự đặt cho mình trách nhiệm giữ lấy phần ký ức của tháng ngày hoa lửa ấy.

Anh Trần Vũ Bình chia sẻ: “Đất nước hòa bình, thống nhất, mình được học tập và có điều kiện phát triển bản thân cũng như kinh tế. Tiếp nối ước mơ của người đi trước, có điều kiện thì phải làm, còn sống thì còn tìm lại, xây dựng lại những điểm mà cha, chú mình đã sống và chiến đấu. Không thể vì chiến tranh đã kết thúc mà mình quên đi tất cả lịch sử của dân tộc. Sau ngày đất nước thống nhất, cảm phục những chiến công và sự hy sinh của cha mẹ mình cùng các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, nên tôi dành thời gian tìm và mua lại một số căn nhà, hiện vật vốn là nơi hoạt động bí mật của Biệt động Sài Gòn. Sau đó, tổ chức phục dựng để làm di tích cho mọi người đến tham quan, tìm hiểu về những hoạt động thầm lặng của các anh hùng, chiến sĩ”.

Di tích Biệt động Sài Gòn đầu tiên được anh Bình tìm cách phục dựng là căn nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu (phường 5, quận 3, TPHCM). Đây là một trong 3 căn nhà liền kề số 287/68-70-72 đường Nguyễn Đình Chiểu được ông Trần Văn Lai dùng tiền cá nhân mua lại theo chỉ đạo của cấp trên. Sau khi mua được căn nhà, ông bí mật đào đắp để vũ khí ngay trong nội đô Sài Gòn lúc bấy giờ. Tiếp đến là căn nhà số 113A Đặng Dung (phường Tân Định, quận 1, TPHCM), nơi đặt “Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn”, mà anh Bình mất hơn 10 năm để tiếp nhận và phục dựng nguyên trạng căn nhà này.

Anh Trần Vũ Bình bày tỏ: “Tôi tâm niệm phục dựng căn nhà một cách nguyên trạng, không tu sửa bằng vật liệu mới. Hễ nghe ở đâu có hiện vật của Biệt động Sài Gòn là tôi tìm tới, tìm cách thuyết phục để mang về lại cho đúng như dấu xưa mà cha tôi và đồng đội từng chiến đấu”. 

Miền ký ức của những năm tháng ấy, biết bao lớp người ngã xuống cho hôm nay. Và kỷ vật còn lại, di tích lưu dấu, hay những người may mắn trở về sau ngày giải phóng, chính là bài học lịch sử cụ thể, là cách chạm vào niềm tự hào về quê hương xứ sở trong trái tim mỗi người.

Sáng 26-8, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật và giao lưu “Sống tiếp ước mơ” lần 2. Hiện vật đợt trao tặng đợt này từ các tập thể, cá nhân đã tham gia cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua; thân nhân của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân.

Dự kiến tháng 10-2022, bảo tàng sẽ trưng bày chuyên đề “Những đóa hồng nơi tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19” gồm những hiện vật như: đôi dép, trang phục, bình oxy… từ các cá nhân, tổ chức tham gia chống dịch vừa qua.

Tin cùng chuyên mục