Lên mạng xã hội đòi nợ

Cùng với việc khủng bố đòi nợ bằng các hành vi gọi điện đe dọa, gọi điện cho những người thân quen của con nợ để gây áp lực, gần đây các băng nhóm tín dụng đen và cả những người cho vay lãi còn lạm dụng mạng xã hội cho việc bêu riếu, uy hiếp, làm nhục... để thu nợ. 
Lên mạng xã hội đòi nợ

Chủ nợ dùng chiêu trò tạo các tài khoản Facebook, rồi sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của con nợ để bêu riếu, làm nhục con nợ, gây sức ép tâm lý, buộc con nợ phải nhanh chóng trả nợ. Sau khi thu nợ xong, những tài khoản Facebook này mới được xóa bỏ.

Đây là một chiêu trò mới, không những gây phản cảm mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Trong khi đó, việc cải chính, yêu cầu xóa thông tin sai lệch trên mạng xã hội không đơn giản.

Trường hợp thông tin đăng tải là sai sự thật, người bị bêu xấu không dễ ngăn chặn kịp thời, phải chịu sự tác động tiêu cực, ảnh hưởng uy tín và danh dự nghiêm trọng. Khi mạng xã hội bị lạm dụng với mục đích xấu thì tác hại rất nặng nề, bởi mạng xã hội có sức lan tỏa rất lớn. 

Đã có những trường hợp người bị phát tán thông tin xấu, riêng tư trên mạng xã hội bị ảnh hưởng tâm lý, cuộc sống gia đình xáo trộn, thậm chí tự tử. Do vậy, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải vào cuộc một cách quyết liệt, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có hành vi lạm dụng mạng xã hội để vu khống, làm nhục người khác.

Việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân người khác đăng tải lên mạng xã hội với mục đích đòi nợ, vu khống, nói xấu là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền 10 - 30 triệu đồng, hoặc có thể bị phạt cải tạo không giam giữ 3 năm.

Tin cùng chuyên mục