Lên án trục lợi từ thiện: Cao thủ không bằng... tranh thủ

Bên cạnh những chiêu thức trục lợi từ thiện có tổ chức như Báo SGGP thông tin mấy ngày qua, có một số cá nhân lợi dụng lòng thương cảm của xã hội trong tình hình dịch bệnh để “nhận làm của riêng” tiền từ thiện, dù ít hay nhiều. Và khi bị bóc phốt, họ âm thầm khóa tài khoản cá nhân để đánh bài chuồn.
Một đối tượng cùng 2 đồng phạm tạo Fanpage Chia sẻ vì người nghèo lừa các nhà hảo tâm ủng hộ tiền, sau đó chiếm đoạt. Ảnh: Laodong
Một đối tượng cùng 2 đồng phạm tạo Fanpage Chia sẻ vì người nghèo lừa các nhà hảo tâm ủng hộ tiền, sau đó chiếm đoạt. Ảnh: Laodong

Đánh vào lòng thương

 “Em tên Lê Thị Oanh, quê Bạc Liêu, em kính gửi đến anh chị mạnh thường quân và anh chị trong hội xin giúp đỡ cho mẹ con em. Con em sinh được 7 tháng còn non lắm, dịch này em không đi làm được, chồng em bị cách ly ở dưới quê nên không lo cho mẹ con em được, mong anh chị giúp đỡ cho bé được mấy hộp sữa qua dịch... 100k (100.000 đồng) đối với anh chị là nhỏ còn đối với mẹ con em bây giờ lớn lắm. Em xin đội ơn mấy anh chị nhiều lắm... Sdt và zalo 037439… và Stk ngân hàng 224910…”.

Bài viết với nội dung trên kèm hình ảnh một bé nhỏ mặc áo vàng độ khoảng 2 tuổi, xuất hiện trong khoảng 5 nhóm từ thiện trên mạng xã hội và cả nền tảng chia sẻ video TikTok, tất cả đều do tài khoản Lê Thị Oanh đăng tải. 

Sáng 11-8, hai vợ chồng chị H.G. và anh L.T. lên tiếng trong các nhóm từ thiện trên mạng, cho biết, đứa trẻ mà tài khoản Lê Thị Oanh đăng hình ảnh thực chất là con ruột của anh chị và hiện tại hoàn cảnh gia đình đang ổn định.

Chị G. cho hay: “Người dùng tài khoản Lê Thị Oanh để lừa đảo là anh rể của tôi, một số người đã mủi lòng chuyển tiền. Nên tôi và chồng đăng tin khắp nơi để cảnh báo”.

Sau khi bị bóc phốt, tài khoản Lê Thị Oanh vẫn tiếp tục đăng bài xin giúp đỡ và chặn tất cả bình luận nói mình lừa đảo.

Trong lúc dịch bệnh ảnh hưởng nhiều mặt trong cuộc sống, người già và trẻ nhỏ là những trường hợp dễ làm người khác mủi lòng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Mai (35 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) kể: “Sáng dậy, bạn bè rồi gia đình gọi điện thoại, nhắn tôi hỏi tôi bộ khó khăn dữ lắm hay sao mà xin tiền khắp nơi. Mọi người gửi link các bài viết, xem xong tôi mới tá hỏa, người ta vào trang cá nhân của tôi, rồi lấy hình ảnh con tôi đính kèm bài xin tiền khắp nơi. Tôi phải đăng bài cảnh báo và khóa hết hình ảnh con trên mạng xã hội, để không bị lợi dụng”.

Đủ kiểu nhập nhằng

 Gõ từ khóa “từ thiện” lên mạng xã hội, hàng loạt nhóm và fanpage hoạt động khắp cả nước. Các nhóm từ thiện này chủ yếu do cá nhân hoặc nhóm bạn cùng lập nên, đủ các hoạt động từ thiện, từ vận động quyên góp quần áo cũ, nhu yếu phẩm, lương thực đến cả tiền bạc.

Rất ít nhóm để lại địa chỉ hoạt động, chủ yếu là số điện thoại và số tài khoản ngân hàng người đứng ra quyên góp. Hầu hết các hoạt động từ thiện này đều là do những cá nhân đứng ra kêu gọi, tổ chức hoạt động thiện nguyện, không có hoặc rất ít nhóm đăng ký hoặc thuộc các tổ chức nhân đạo của Nhà nước.

Cơ sở để người dùng mạng xã hội tham gia vào các nhóm này hoặc chuyển khoản ủng hộ chính là lòng tin, được bạn bè giới thiệu, hình ảnh, video đi phát quà… “Thấy bạn bè đóng góp, bản thân mình cũng không quá khó khăn nên muốn chung tay một chút thì chuyển khoản vào thôi, chứ tôi cũng không có thời gian dò xét coi nhóm đó ở đâu”, chị Lê Thị Thanh Hương (42 tuổi, ngụ quận 12) chia sẻ.

Một trong những hình thức lừa đảo từ thiện hay được sử dụng là lấy hình và video hoạt động thiện nguyện từ nhiều nơi, tổng hợp lại và biến nó thành hoạt động từ thiện của mình để kêu gọi gây quỹ.

“Có một nhóm lấy hình nhóm tụi tui đi phát quà ban đêm rồi kêu gọi góp tiền. Tụi tui lên tiếng thì họ chặn tài khoản, cả nhóm tui đành viết bài trên trang cá nhân để cảnh báo mọi người”, chị Nguyễn Út Lan (33 tuổi, thành viên nhóm từ thiện Trái tim) kể lại. 

Một sự nhập nhằng khác khiến nhiều người rối trong việc muốn đóng góp từ thiện chính là tên gọi, quá nhiều nhóm với những tên gọi na ná nhau, đến mức hiểu lầm.

Nhóm thiện nguyện Từ Tâm (thuộc Hội Chữ thập đỏ TPHCM) do anh Võ Văn Thoại đại diện, hoạt động trên mạng xã hội theo hình thức trang cá nhân. Nhóm này đã phải đăng bài giải thích vì các nhà hảo tâm đã có sự nhầm lẫn, bởi có một nhóm thiện nguyện khác cũng lấy tên Từ Tâm và họ hoạt động trên mạng xã hội theo hình thức fanpage.

Sự cố trùng tên trên cũng chỉ là một việc nhỏ trong hoạt động từ thiện, nhưng nó cho thấy đã đến lúc cần một chính sách và khung pháp lý cụ thể để quản lý và giám sát các hoạt động từ thiện, quyên góp.

Trong vụ việc “bác sĩ Khoa”, có sự “nhiệt tình” của một vài người và nhóm người trên mạng xã hội. Trong đó có quyết định chóng vánh tặng máy thở cho bệnh viện nơi “bác sĩ Khoa” làm việc mà chưa có sự kiểm chứng rõ ràng của một quỹ vận động từ thiện. Do nghi ngờ, bà N.T.N.Đ. đã gửi mail đến quỹ trên đòi lại số tiền 100 triệu đồng mà bà đã chuyển tặng. 

Trong bài viết trên trang cá nhân, bà Đ. lý giải: Mình đã đứng ra quyên góp thì mình phải thật nguyên tắc và nghiêm túc khi trao tiền. Không thể nhận tiền của chị A. rồi nghe bạn bè nói anh C. tội nghiệp là móc túi chi tiền. Cách quản lý tiền làm mình cảm giác quỹ không quý tiền nên mình không hỗ trợ nữa!

Tin cùng chuyên mục