Lệch lạc cách thần tượng

Thần tượng của bạn là ai? Đem câu hỏi trên hỏi các bạn trẻ, không ít câu trả lời nhận được chắc hẳn khiến chúng ta giật mình. Nhất là mới đây, hình ảnh một số bạn trẻ đứng vẫy tay chào đón “thần tượng” Khá Bảnh hôm anh này hầu tòa, đã thực sự gây sốc. 
Thay vì chào đón, đối tượng Khá Bảnh cần bị lên án. Ảnh: MINH KHANG
Thay vì chào đón, đối tượng Khá Bảnh cần bị lên án. Ảnh: MINH KHANG

Sự cổ vũ lệch lạc

Phiên tòa xét xử Khá Bảnh và đồng bọn kết thúc, một trong những điều đọng lại trong dư luận chính là hình ảnh những bạn trẻ, trong đó phần nhiều mặc đồng phục học sinh, đứng vây xung quanh nơi diễn ra phiên tòa và vỗ tay chào mừng “thần tượng giang hồ mạng” một thời. Rõ ràng, bất chấp những cảnh báo từ nhà trường, từ truyền thông và gia đình, một bộ phận người trẻ vẫn suy tôn những “thần tượng” đến tận khi những đối tượng này xộ khám. Nhiều người gọi đó là sự cổ vũ lệch lạc.

Hồng Tiến (cựu sinh viên Đại học Luật) chia sẻ: “Khá Bảnh, Thắng cá chép hay Huấn hoa hồng là những thần tượng được tạo ra từ mặt trái của thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, mạng xã hội. Đó là thế giới mạng nhiều cái ác, ít yêu thương, đầy rẫy bạo lực và vô tình, nhưng người trẻ vẫn tin vào. Hội chứng thần tượng mạng đáng báo động đó chắc chắn sẽ còn tiếp diễn”.

Không chỉ là những giang hồ mạng đang được người trẻ cổ vũ lệch lạc, nhiều người trẻ còn học đòi theo thần tượng, từ đánh bạn, chửi thầy, đến phá hoại của công và những hành vi vi phạm pháp luật khác. Đó là nhóm học sinh đánh rồi lột đồ bạn nữ, quay clip công khai tung lên mạng; nhóm bạn trẻ sáng cắp sách đến trường, chiều vác dao kiếm bạn “xử lý” chỉ vì nhìn đểu mình...

Tất cả sự việc khi xảy ra, truy đến cùng, câu trả lời của các bạn trẻ là bắt chước vị “anh hùng hảo hán” nào đó trên mạng mà các bạn đã thần tượng bấy lâu. Đạo đức của một bộ phận người trẻ xuống cấp, một phần cũng vì trót thần tượng ai đó trên mạng xã hội, học đòi theo và cái kết là quá nặng nề.

Có cần thiết phải thần tượng ai đó

Nhiều bạn trẻ sẽ trả lời là có, nhưng đối tượng được thần tượng là ai và học được gì là câu chuyện khác. Ngọc Nhi (làm nghề uốn tóc, ngụ quận 8, TPHCM) cho hay, mình và đám bạn có trong một “cộng đồng” người hâm mộ nhóm nhạc thần tượng hot nhất hiện nay của Hàn Quốc là BTS. Ngoài việc tổ chức offline để nói chuyện về thần tượng, chia sẻ những sản phẩm mà BTS phát hành, nhóm bạn này còn lãnh trọng trách đi gây sự với nhóm hâm mộ của nhóm nhạc nam khác cũng rất nổi tiếng. Thế là ngoài những cuộc khẩu chiến trên mạng xã hội, các bạn trẻ còn rủ rê ra tận đời thực, khẩu chiến cho đã.

Nhi kể: “Chúng tôi hẹn nói chuyện phải quấy ở một công viên tại quận 5. Chúng tôi chừng mười mấy người, toàn nữ. Nhóm kia ít hơn, nhưng có vài bạn nam. Đang cao trào khẩu chiến, chuẩn bị xông vô xáp lá cà thì mấy chú bảo vệ công viên xuất hiện, tụi tôi đành rút lui. Nhưng thực tình là tụi này còn tức lắm, hẹn bọn ấy tái ngộ một ngày không xa”.

Nói về chuyện thần tượng, anh Nguyễn Hồng Quân (26 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa), cho rằng: “Tôi không có thần tượng nào là cụ thể, chỉ theo kiểu  mùa nào thần tượng đó. Ai đó đang nổi, hay hay thì tôi thần tượng. Thế thôi!”. Trong khi đó anh Trần Văn Thông (31 tuổi, làm tự do), nói: “Tôi không có thời gian để thần tượng ai, lo kiếm việc để có tiền sống là đủ mệt. Thần tượng ai đó, có lợi lộc gì không?”. Ở độ tuổi trẻ hơn, em Nguyễn Hải Anh (19 tuổi, sinh viên), nêu quan điểm: “Thần tượng ai đó là tốt mà. Người ta giỏi, đẹp, hot trên mạng xã hội thì mình thích, thần tượng, học theo, chẳng mất gì cả”.

Thần tượng ai đó có thật cần thiết? Câu trả lời là không cấm người trẻ thần tượng, nếu sự hâm mộ đó ở mức chấp nhận được và quan trọng là thần tượng nào có thể đem lại những bài học thú vị, những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Còn thần tượng để quá đà, để học đòi và thậm chí là xung đột và tự tạo ra xung đột thì không nên thần tượng ai cả. Nói như một chuyên gia tâm lý: Phải tỉnh táo học những điều hay chứ không phải mù quáng chạy theo thần tượng. Và quan trọng, người trẻ phải hướng đến những thần tượng “có thật”, không phải là những hiện tượng nhất thời.

Nói về thần tượng, thầy Nguyễn Trần Đình Dũng (giáo viên một trường học tại quận 8, TPHCM) cho rằng: “Thực chất, thần tượng thì không xấu. Để trở thành một thần tượng, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật là không dễ, họ phải mất rất nhiều và lao động rất nhiều. Nhưng có lẽ, họ cũng không lường hết được là người trẻ khi thần tượng lại hung hăng, sa đà và liều đến vậy.

Học sinh ở lớp tôi chủ nhiệm cũng thần tượng một nhóm nhạc nam ở Anh quốc, nhưng trong xu thế K-Pop lên ngôi, lượng người hâm mộ đông đảo hơn hẳn, thế là không tránh khỏi xung đột. Bản thân tôi cũng từng khuyên nhủ, thậm chí là nói chuyện với phụ huynh các em nhưng dường như không thấm bao nhiêu. Các em vẫn lén lút thể hiện sự cuồng nhiệt thái quá, khó kiểm soát”.

Tin cùng chuyên mục