Lễ giỗ lần thứ 146 Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa

Ngày 7-3 (20 tháng Giêng năm Mậu Tuất), TP Cần Thơ tổ chức lễ giỗ lần thứ 146 cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. 
Nghi thức rước linh vị Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa từ Nam Nhã Đường về Khu Tưởng niệm để tiến hành lễ giỗ được thực hiện long trọng. Ảnh: LỆ THU
Nghi thức rước linh vị Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa từ Nam Nhã Đường về Khu Tưởng niệm để tiến hành lễ giỗ được thực hiện long trọng. Ảnh: LỆ THU
Đến dự có đồng chí Trần Quốc Trung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ và các đồng chí lãnh đạo TP Cần Thơ; các tướng lĩnh Quân khu 9 cùng các đại biểu và đông đảo nhân dân trong vùng.
Lãnh đạo TP Cần Thơ dâng hương tưởng niệm cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Ảnh: HÀM LUÔNG

Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa hiệu Nghi Chi, sinh năm 1807, mất năm 1872; quê quán tại thôn Bình Thủy, tổng Vĩnh Định, châu Định Viễn, dinh Vĩnh Trấn (nay thuộc quận Bình Thủy, TP Cần Thơ).

Năm 1835, ông đỗ Thủ khoa kỳ thi Hương và sau đó được bổ nhiệm làm quan tri huyện Phước Chánh (Biên Hòa), rồi làm Tri huyện Trà Vang (nay là Trà Vinh).

Do bênh vực dân nghèo, chống lại bọn cường hào ác bá nên ông bị vu oan, phải chịu án tử.

Phu nhân của ông là bà Nguyễn Thị Tồn lặn lội ra kinh đô Huế kêu oan cho chồng.

Sau khi thẩm tra xem xét, ông được vua Tự Đức tha tội chết và đưa đi trấn nhậm tại đồn Vĩnh Thông, Châu Đốc.

Sau đó ông lập nhiều chiến công, được thăng chức chức Phó quản cơ, rồi Quản cơ cho tới khi từ quan về ở ẩn (1858).

Cuối đời, cụ Thủ khoa từ quan về quê dạy học, hốt thuốc chữa bệnh và dùng ngòi bút lên án thực dân Pháp xâm lược, cổ vũ phong trào yêu nước.

Mặc dù đã từ quan nhưng cụ vẫn bí mật giúp nghĩa quân Phan Tôn, Phan Liêm (con Phan Thanh Giản) mở rộng thế lực ở Cần Thơ và Vĩnh Long trong những năm 1867-1868, bí mật làm cố vấn cho nghĩa quân Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự ở Cần Thơ (1869). Tấm lòng yêu nước vì dân của Cụ giữ trọn cho tới khi lâm bệnh, và mất ngày 21 tháng 1 năm Nhâm Thân 1872.

Ông được tôn vinh là một trong bốn “Rồng Vàng” ở đất Nam bộ:

                        Đồng Nai có bốn rồng vàng,

                      Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi

Các đồng chí lãnh đạo TP Cần Thơ tại lễ giỗ. Ảnh: HÀM LUÔNG

 Sau khi ông mất, nhân dân làng Bình Thủy thờ ông trong đình làng, hằng năm đều tổ chức lễ giỗ long trọng.

Phần mộ cụ Thủ khoa xây bằng đá ong, được nhiều thế hệ người Cần Thơ chăm sóc, tu sửa và được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1994.  Sau đó, TP Cần Thơ đã quyết định mở rộng, tôn tạo Di tích lịch sử mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa thành Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa trên diện tích rộng 10.000m2, kinh phí gần 60 tỷ đồng.

Khu tưởng niệm được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống Việt Nam. Công trình đã khánh thành vào ngày 1-3-2013, nhân dịp kỷ niệm 141 năm ngày mất của ông.

Đồng chí Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch thường  trực UBND TP Cần Thơ phát biểu tại lễ giỗ. Ảnh: HÀM LUÔNG

Phát biểu tại lễ giỗ, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết: Việc tổ chức lễ giỗ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa nhằm tôn vinh danh nhân văn hóa đất Cần Thơ với lòng tự hào và trân trọng, đề cao khí phách một vị quan thanh liêm, chính trực; nhà thơ yêu nước; nhà soạn tuồng đầu tiên đất Nam kỳ, qua đó, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường dân tộc và tinh thần hiếu học của tiền nhân, đối với thế hệ kế thừa.

Trước đó, vào ngày 6-3, lễ rước linh vị cụ Thủ khoa từ chùa Nam Nhã về khu Tưởng niệm cùng các nghi thức bái tế được tổ chức long trọng, trang nghiêm.

Trong khuôn viên Khu Tưởng niệm, diễn ra các hoạt động: trưng bày, phục vụ thư viện lưu động; trình diễn và hướng dẫn viết thư pháp cho học sinh; hội thi trưng bày trái cây tạo hình nghệ thuật; quảng bá và giới thiệu sản phẩm du lịch…

Tin cùng chuyên mục