Lấy ý kiến 2 dự thảo luật giáo dục: Chưa hết tranh cãi

So với bản dự thảo trước đây, dự thảo Luật GDĐH sửa đổi lần này có nhiều bổ sung: mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả vấn đề tự chủ; đổi mới quản trị ĐH (nâng cao thực quyền hội đồng trường - HĐT). Trong đó, ghi nhận nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề thực quyền của HĐT.  
TS Nguyễn Mạnh Toàn, Hiệu trường Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), cho rằng đừng làm cho các ĐH phình to để phân toán nguồn lực đầu tư
TS Nguyễn Mạnh Toàn, Hiệu trường Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), cho rằng đừng làm cho các ĐH phình to để phân toán nguồn lực đầu tư

Dù đã nhiều lần góp ý, đã trình Quốc hội nhưng 2 dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) khi được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lấy ý kiến vào ngày 21-8 tại TPHCM vẫn tiếp tục ghi nhận những ý kiến ở nhiều nội dung.  

Xác định mục tiêu cho giáo dục

Phát biểu tại hội nghị, PGS-TS Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội, cho biết, vấn đề mấu chốt hiện tại là xác định rõ giáo dục Việt Nam đang cần gì, hướng đến mục tiêu gì, đặt trong liên hệ với bối cảnh đất nước và thế giới. Trong đó, dự thảo luật cần làm rõ 2 khái niệm phổ cập không bắt buộc và phổ cập bắt buộc. “Nếu là phổ cập bắt buộc cần gắn với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, xã hội chứ không chỉ trường học. Khi đó, vấn đề phổ cập là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân trong việc đưa con em đến trường. Nhiều năm qua chúng ta đã hướng đến phổ cập bậc THCS nhưng chưa bắt buộc”. 

Ở góc độ khác, bà Lê Thị Minh Châu, chuyên gia giáo dục của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), góp ý: Luật Giáo dục sửa đổi cần định nghĩa lại thế nào là giáo dục hòa nhập. Hiện nay, khái niệm này chỉ bó hẹp ở 2 đối tượng là học sinh khuyết tật và học sinh trong các trường giáo dưỡng. Trong khi đó, nhiều đối tượng khác như trẻ gặp khó khăn về ngôn ngữ, trẻ nhập cư, nhiễm HIV, trẻ chịu hậu quả thiên tai... chưa được quy định rõ ràng trong luật. 

PGS-TS Lê Quang Minh, nguyên Phó giám đốc ĐHQG TPHCM, bày tỏ lo ngại về độc quyền sách giáo khoa. Đã đến lúc Luật Giáo dục sửa đổi cần quy định lại một cách chặt chẽ thẩm quyền của hội đồng biên soạn sách giáo khoa, tránh việc độc quyền biến tướng ở một hình thức khác.

Một vấn đề quan trọng khác là định vị lại hình thức đào tạo nghề. Ông Trương Văn Hùng, Trưởng phòng GD chuyên nghiệp và ĐH (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết, trong công văn số 2691/BGDĐT-GDĐH của Bộ GD-ĐT gửi Bộ LĐTB-XH về phối hợp một số hoạt động nghề nghiệp, nêu rõ Bộ GD-ĐT vẫn đang hoàn thiện để ban hành Thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT người học phải tích lũy để học liên thông trình độ cao đẳng. Việc dạy các môn văn hóa chỉ được triển khai nếu học sinh có nhu cầu và tổ chức học ngoài giờ, do vậy không có cơ sở cho các đơn vị đánh giá tương đương hoặc không tương đương hệ THPT. Ông Hùng cũng đề nghị Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu, tận dụng cơ sở vật chất các trường trung cấp để phát triển lại hệ thống trường trung học tổng hợp/thực hành, trong đó đưa các môn kỹ thuật vào giảng dạy ở bậc trung học nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy, góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh. 

Nóng chuyện tự chủ, quyền của hội đồng trường

So với bản dự thảo trước đây, dự thảo Luật GDĐH sửa đổi lần này có nhiều bổ sung: mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả vấn đề tự chủ; đổi mới quản trị ĐH (nâng cao thực quyền hội đồng trường - HĐT). Trong đó, ghi nhận nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề thực quyền của HĐT.  

TS Nguyễn Mạnh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), cho rằng, luật quy định HĐT quyết định hiệu trưởng, các chính sách, chiến lượt phát triển… của trường, nhưng vấn đề trách nhiệm lại là hiệu trưởng. Và hiện nay việc bổ nhiệm hiệu trưởng phải thông qua 5 bước theo quy định. Do đó, vấn đề thực quyền của HĐT là không có. Trao đổi thêm về vấn đề HĐT, GS-TS Phạm Văn Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho rằng: Phần quy định về HĐT có đến 11 điểm nhưng trong đó có 5 điểm dùng từ “thông qua”. Vậy các vấn đề khi HĐT thông qua rồi để làm gì? Trong khi đó, quyết định thông qua các dự án đầu tư theo quy định của luật pháp hiện hành phải là hiệu trưởng quyết định. Như vậy chẳng có gì là tự chủ được hết…

Tuy nhiên, PGS-TS Lê Quang Minh cho rằng: Vấn đề tự chủ và trách nhiệm giải trình phải dành 2 chương để nói cho rõ chứ thực tế trường nào cũng “ham” tự chủ nhưng trách nhiệm giải trình thì không làm thật. Hiện nay, nhiều trường giải trình, báo cáo toàn những con số chưa chính xác. 

GS-TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, băn khoăn: “Ngay từ khi góp ý cho Luật GDĐH (năm 2010-2011) và đến bây giờ quan điểm của tôi là chỉ nên gọi là trường ĐH thì mới hợp với xu thế của thế giới. Nhưng hiện nay luật lại thừa nhận hệ thống GDĐH là ĐH thuộc 2 cấp và theo bản dự thảo này thì ĐH sẽ tiếp tục phình to. Hồi đáp về ý kiến của GS Trân, PGS-TS Phan Thanh Bình cho rằng Luật GDĐH là dành cho các trường ĐH. Do đó, ban soạn thảo nên lưu ý và tiếp thu để đưa vào dự thảo trước khi trình Quốc hội.

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, Cao đẳng Việt Nam, nhấn mạnh: “Dù còn nhiều ý kiến phản biện, đóng góp cho ban soạn thảo dự luật, nhưng chúng ta đừng quá cầu toàn. Nếu không kịp để Quốc hội thông qua thì chắc chắn các trường ĐH sẽ gặp rất nhiều trở ngại để phát triển và bắt kịp với xu thế hội nhập hiện nay. Khi được Quốc hội thông qua, trong quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc thì chúng ta tiếp tục góp ý sửa đổi”. 

Tin cùng chuyên mục