Lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Ngày 8-8, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 13, khóa IX mở rộng, nhiệm kỳ 2019-2024 đã khai mạc tại tỉnh Ninh Bình. Đặc biệt, tại hội nghị này, Đoàn Chủ tịch tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh trong Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024.
Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 13
Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 13

Ngày 8-8, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 13, khóa IX mở rộng, nhiệm kỳ 2019-2024 đã khai mạc tại tỉnh Ninh Bình dưới dự chủ trì của đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Hội nghị nhằm thảo luận các nội dung chủ yếu: dự thảo Báo cáo kết quả công tác mặt trận 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm công tác mặt trận 6 tháng cuối năm 2022; dự thảo đề án “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam”; dự thảo nghị quyết liên tịch ban hành Quy chế phối hợp của Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Hội nghị cũng thảo luận về báo cáo tình hình các tầng lớp nhân dân 6 tháng đầu năm 2022. Đặc biệt, tại hội nghị này, Đoàn Chủ tịch tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh trong Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ảnh 1 Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ý kiến của các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đều cho rằng, thời gian tới, cần quan tâm đến chiều sâu của công tác mặt trận, nhất là sự tham gia của mặt trận vào công tác của Đảng, Nhà nước với tính chất là giám sát, phản biện, xây dựng Đảng, chính quyền. Hiện nay, hoạt động giám sát, phản biện xã hội mới chỉ tập trung vào các văn bản pháp luật, trong khi hoạt động này có thể mở rộng hơn nữa, đặc biệt là phản biện xã hội cần sâu hơn nữa.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị MTTQ Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến những tâm tư nguyện vọng của nhân dân, trong đó tập trung vào 3 vấn đề là giáo dục, y tế và khoa học. MTTQ Việt Nam cần quan tâm đến ngành y tế. Hiện nay, Chính phủ đang tháo gỡ những khó khăn trong chế độ, chính sách đối với ngành y tế, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận không nhỏ các y, bác sĩ bày tỏ sự chán nản và muốn bỏ nghề, gây tổn thất rất lớn về nhân sự cho ngành y; đề nghị MTTQ có hoạt động phản biện xã hội về vấn đề này nhằm thể hiện tính thuyết phục đảm bảo chính sách cho các y, bác sĩ.

Theo nguyên Phó Chủ tịch nước, sau các vụ án như chuyến bay giải cứu, kit test Covid-19... đã xuất hiện nhiều vấn đề gây bức xúc trong nhân dân. MTTQ Việt Nam cần có kiến nghị với Đảng, Nhà nước tổ chức sinh hoạt tư tưởng trong Đảng và Nhà nước, để lấy lại tinh thần, củng cố niềm tin lại cho nhân dân, để nhân dân hiểu được rằng trong đổi mới sẽ có những bước đi chưa đúng, những khuyết điểm cần khắc phục. Bên cạnh đó, mặt trận cần lắng nghe tâm tư của nhân dân về vấn đề khám chữa bệnh do ách tắc thiết bị y tế trong đấu thầu. Việc này cần được giải quyết, tháo gỡ kịp thời để tránh gây xáo trộn về tư tưởng, tinh thần của nhân dân.

Ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu thực tế, khi MTTQ Việt Nam giám sát về việc giải quyết kiến nghị, tố cáo của người dân, mặt trận cần có văn bản kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Nhưng, cơ quan nhà nước không đối thoại cùng với MTTQ Việt Nam để cùng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân, nên tính hiệu quả giám sát của MTTQ còn có hạn chế. Theo ông, giám sát, phản biện xã hội phải đi đến cùng sự việc, cần phải chọn việc phù hợp với khả năng mặt trận, qua đó đạt được hiệu quả thiết thực, nhất là giúp cho các cơ quan nhà nước hoạt động hiệu quả, giúp cho việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhân dân, nhưng cốt lõi nhất là làm như thế nào để nhân dân tin vào hoạt động của MTTQ Việt Nam.

Lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ảnh 2 Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu tại hội nghị

Đóng góp ý kiến vào dự thảo đề án “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam”, ông Đỗ Duy Thường tán thành với việc đổi mới, điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ của các ban chuyên môn hiện có của MTTQ Việt Nam. Ông Đỗ Duy Thường đề xuất nên thành lập một ban chuyên môn mới thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo; theo dõi, tập hợp dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng, những băn khoăn lo lắng của giai tầng xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài. Hệ thống MTTQ từ ban công tác mặt trận đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp, phải thường xuyên, hàng ngày, thậm chí hàng giờ lắng nghe, theo dõi, tập hợp để phản ánh cho Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu đã báo cáo về nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2022. Trong số đó có nội dung chủ động và nâng cao chất lượng nắm bắt, tổng hợp tình hình nhân dân, ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân để phản ánh với Đảng và Nhà nước; tập hợp, tổng hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để trình bày tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Bên cạnh đó, triển khai công tác giám sát 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các nghị quyết Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, giai đoạn 2021 - 2025; tổ chức Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp xúc, vận động các tầng lớp nhân dân vùng dân tộc thiểu số; tiếp xúc đối thoại với lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các Hội thánh Cao Đài…

Tin cùng chuyên mục