Lấy đêm làm ngày

“Tối nào mình cũng tự hứa hôm nay sẽ ngủ sớm, rồi xà quần một hồi, ôm điện thoại chat chit với bạn bè một chút, xem Facebook một chút, quay qua quay lại là gần 1 giờ sáng, lại thất hứa với bản thân. Chỉ là ngủ sớm thôi mà sao khó quá!”, dòng chia sẻ trên Facebook của tài khoản Thủy Tiên (ngụ quận 7, TPHCM) nhận được sự đồng cảm của đông đảo cư dân mạng. 
Hàng tá lý do thức đêm
Cách đây không lâu, một đề tài nghiên cứu đã khảo sát tình trạng thức khuya ở ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM, cho thấy tỷ lệ sinh viên thức khuya ở ký túc xá này là 96,3%. Trong đó, thức khuya từ 23 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau chiếm 67,9%. Đây là một thực tế rất dễ nhận ra. Không chỉ sinh viên mà cả nhân viên văn phòng đều có thói quen thức khuya, nhiều nhất là trong độ tuổi từ 17-30 tuổi.
Trước đây, thời gian biểu của người trẻ được phân bổ khá hợp lý, ban ngày là thời gian học tập hoặc làm việc, tối đến chỉ dành một vài giờ ôn lại bài tập, đi chơi cùng bạn bè hoặc xem phim, xong là đi ngủ. Muốn thức khuya cũng không biết chơi cùng ai, xem gì vì lúc ấy ti vi đã ngưng phát sóng.
Ngày nay, khi xung quanh người trẻ có quá nhiều dịch vụ giải trí, ngoài gặp mặt bạn bè thì có vô số lý do để các bạn có cớ thức khuya. Hầu hết các bạn đều biện minh rằng, mình phải làm bài tập, làm việc nhưng tỷ lệ đi chơi khuya, tán gẫu trên mạng, lướt Facebook hoặc “cày” phim, “cày” game đêm… mới thực sự là nguyên nhân khiến giới trẻ thức khuya. 
Lấy đêm làm ngày ảnh 1 Đã quá nửa đêm nhưng quán nhậu trong Làng đại học Thủ Đức vẫn nhộn nhịp
Thói quen lấy đêm làm ngày được gọi vui là “hội cú đêm” ngày càng phổ biến. Chỉ một cú click chuột trên Facebook với từ khóa “hội cú đêm” hoặc “hội thức khuya”, chúng tôi ghi nhận có hàng chục hội được lập ra với vài chục ngàn hội viên.
Tham gia những nhóm này mới thấy giờ giấc hoạt động đúng như tính chất của tên gọi, ban ngày hầu như chỉ vài người ghé coi, nhưng ban đêm lại vô cùng sôi động. Từ bình luận trên dòng trạng thái đến tranh luận qua khung chat, nơi đây như một thế giới không ngủ với những tài khoản luôn sáng đèn đến 4-5 giờ sáng.
Đôi khi chỉ đơn giản là dòng trạng thái bông đùa như: “Cả nhà ơi, trang điểm đẹp, lên giường trùm mền và tám thôi” được đăng trên “hội thức khuya” lúc 23 giờ cũng đủ sức thu hút hàng trăm người bình luận rôm rả thông đêm.
Nói đến thức khuya, Ngô Hoàng Thái (sinh viên Đại học Gia Định), một thành viên trong “hội cú đêm” tự vỗ ngực cho mình là “trùm cú đêm”, không bao giờ ngủ trước 3 giờ sáng. Thái quả quyết: “Người trẻ ai chả thức đêm, vậy mới hội nhập quốc tế, ai đời người ta thức còn mình ngủ thì tụt hậu mất”.
Thấy chúng tôi phân vân, Thái phân trần: “Nói vậy chứ ngày trước tôi hay thức đêm học bài, thức riết thành quen, hôm nào không học thì “cày” game, không thì lên mạng “chém gió” hoặc tìm độ đi cà phê, ăn đêm chứ không thể ngủ sớm, mặc dù nhiều hôm vẫn phải dậy sớm”. Chính những lý do nghe có vẻ rất chính đáng ấy mà ngày càng nhiều người gia nhập “hội cú đêm”.
Bãi đáp của “hội cú đêm”
Thức khuya thì đói bụng, đó là quy luật. Và để phục vụ thói quen thức khuya của “cú đêm”, tại TPHCM có không ít quán cà phê, quán ăn, quán nhậu phục vụ 24/24 giờ, không chỉ trong trung tâm thành phố mà các quận, huyện vùng ven cũng không thiếu.
Từ những địa chỉ quen thuộc được nhắc nhiều trong “hội cú đêm”, chúng tôi ghé quán nhậu Hải Long tại Làng đại học Thủ Đức. Hơn 11 giờ khuya, khách ngồi kín các bàn. Thi thoảng có vài tốp phi xe máy tới, họ hồ hởi chào nhau rồi ráp lại gọi món. Cũng có tốp lững thững đi bộ từ dãy nhà trọ gần đó ra quán “nạp năng lượng” để “cày” game tiếp.
Không khí trong quán càng về đêm càng rôm rả, đang “chém gió” với hội bạn, điện thoại của một cô gái trẻ liên tục đổ chuông, vừa bắt máy cô gái đã cằn nhằn: “Con vừa đi chơi, mới 11 giờ mấy à, má cứ ngủ đi, gọi chi hoài vậy”.
Nói xong cô quay qua đám bạn: “Có phải bà già đâu mà giờ này kêu ở nhà ngủ, phiền ghê, đã thế chơi tới sáng luôn”. Nghe vậy, đám bạn đồng tình, vài người đề xuất nhậu xong kéo nhau tới quán cà phê quen ở trung tâm thành phố để chơi tiếp, cả hội nhất trí, khoảng gần 1 giờ sáng, họ kêu tính tiền và lại phi xe đến bãi đáp mới.
Đồng hồ cũng điểm hơn 1 giờ sáng nhưng tại một trung tâm thương mại ở quận 2, nhóm bạn trẻ khoảng hơn 10 người chuẩn bị vào rạp chiếu phim. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, bởi đã quá nửa đêm nhưng dường như dịch vụ nào cũng có, một bạn trẻ trong nhóm hờ hững đáp: “Có gì lạ đâu, giờ rạp nào chả có suất chiếu 1-2 giờ sáng.
Ở thành phố này, ban ngày có gì ăn chơi thì đêm cũng có đủ, nào bar, cà phê, game, phim, nhậu, ăn uống… nhộn nhịp đâu kém”. Theo lời của Trần Trung Hiếu (sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Sài Gòn), ngoài “hội cú đêm” ôm máy tính, điện thoại ở nhà thì không ít “cú đêm” hoạt động ở bên ngoài. 
Lần theo những điểm mà Trung Hiếu cung cấp, quả đúng, không chỉ ở quán bar, tiệm game, quán cà phê, quán nhậu mở 24/24 giờ hay khu vực phố Tây mới nhộn nhịp, mà ở những điểm như khu vực Nhà thờ Đức Bà, Bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), công viên ở nóc hầm vượt sông Sài Gòn (quận 2)… cũng có rất nhiều bạn trẻ chơi thâu đêm.
Theo Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3, Bệnh viện Tâm thần TPHCM, giấc ngủ là hoạt động sinh lý của cơ thể, là thời điểm để não bộ và một phần cơ thể được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, nhằm phục hồi sức khỏe. Thực tế, nhu cầu giấc ngủ của mỗi người là khác nhau và giảm dần theo độ tuổi. Tuy nhiên với người trong độ tuổi thanh, thiếu niên thường cần ngủ khoảng 8 giờ/ngày, vì vậy nếu thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi sức khỏe, suy giảm trí nhớ, thiếu tập trung và lão hóa nhanh. Việc tham gia các trang mạng xã hội hoặc đi chơi đêm không xấu, nhưng phải biết cân bằng các hoạt động ngày và đêm để cơ thể luôn khỏe mạnh, tinh thần phấn chấn thì học tập và làm việc sẽ hiệu quả hơn. 

Tin cùng chuyên mục