Lập nghiệp không dễ

Việc người trẻ làm chủ không còn xa lạ trong thời đại này, nhưng không phải vì thế mà con đường thành công dễ đi. Ở TPHCM, người bản địa lập nghiệp đã không dễ, người nơi khác đến thành phố thực hiện giấc mơ lại càng khó hơn.
Nguyễn Hữu Ân trao đổi cùng cộng sự
Nguyễn Hữu Ân trao đổi cùng cộng sự

Cửa hàng “Cá sạch Lagi” của Nguyên Đức (26 tuổi), quê Bình Thuận, đã hoạt động được hơn 2 năm, nhưng phải đến khoảng vài tháng gần đây mới đi vào ổn định. Cửa hàng nằm tại vị trí rất đắc địa, cạnh chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), đồng nghĩa giá thuê cũng ngất ngưởng.

Cá được vận chuyển từ Bình Thuận lên TPHCM mỗi ngày nhằm đảm bảo độ tươi, nên mỗi chuyến hàng nếu nhập ít sẽ không lời, còn nếu hàng nhập về bán không chạy sẽ thành hàng tồn. Để giải quyết hàng tồn, Nguyên Đức thử liên lạc với các quán ăn, nhà hàng nhưng đa số đều từ chối vì đã có nguồn hàng ổn định, còn không thì ép giá.

“Mình đã có sẵn mặt bằng rộng rãi, nếu chỉ để bán cá cũng phí, nên tôi thuê đầu bếp riêng và mở thêm quán cá nướng vào ban đêm. Vừa có thêm thu nhập, vừa linh động hơn trong việc nhập hàng”, Nguyên Đức cho biết.

Trịnh Đức Hạnh, quê Kiên Giang (28 tuổi), thành lập thương hiệu áo cưới Meow Wedding (quận 10) vào cuối năm 2014. Đến nay, thương hiệu này đã được hơn 5.000 cặp cô dâu chú rể tin tưởng lựa chọn và cũng được nhiều du khách nước ngoài, Việt kiều tìm đến đặt may áo dài.

Trước khi mở tiệm, suốt 4 năm đầu tiên lên thành phố, Hạnh làm nhân viên ở rất nhiều cửa hàng lớn nhỏ để học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu nhu cầu khách hàng và xoay sở tìm vốn. Năm đầu mở tiệm chật vật không ít, vì không thể cạnh tranh được những cửa hàng lớn, lâu năm.

Cô tâm sự: “Thời điểm đó, áo dài không được các tiệm áo cưới chú trọng, thiết kế đơn giản, nhạt nhòa, đính kết sến súa nhưng lại có giá thành cao. Cô dâu thuê áo dài cũng chỉ có 2 sự lựa chọn, đặt may riêng hoặc phải thuê áo có sẵn, không vừa vặn. Dòng áo dài của Meow Wedding ra đời, hướng đến nhóm khách hàng có mức thu nhập trung bình. Áo dài được thiết kế và may ngay tại cửa hàng nên sẽ giảm được giá thành và cũng dễ dàng chỉnh sửa áo theo số đo của cô dâu”.  

Từ Nam Định, Nguyễn Hữu Ân (29 tuổi), Nam tiến lập nghiệp và chỉ sau một năm, Hữu Ân đã thành lập một công ty công nghệ cho riêng mình mang tên Teso. Hữu Ân cho biết: “Khi vào TPHCM tham gia cuộc thi Startup Wheel, tôi chưa có ý định vào Nam lập nghiệp. Nhưng cuộc thi kết thúc, tôi trở thành quán quân, may mắn gặp được anh Lê Đăng Khoa (chuyên gia khởi nghiệp), tôi đã quyết định bước khỏi lũy tre làng và làm gì đó lớn lao. Chuyên môn về lập trình chỉ là một mảnh ghép, tôi cần học hỏi để bức tranh hoàn thiện hơn. Sau một năm, tôi đã học thêm được nhiều kỹ năng như quản lý nhân sự, quản trị dòng tiền, ngoại giao…”.

Người trẻ lập nghiệp đã không dễ và lại bắt đầu ở một môi trường mới hoàn toàn, đầy tính cạnh tranh như TPHCM lại càng khó hơn. Do đó, hành trang mang theo nếu chỉ có đam mê và kiến thức sách vở là không đủ, muốn thành công cần dành thời gian tìm hiểu thị trường, hiểu rõ con đường mình đang đi và cũng đừng ngại dựa vào người thành công khi bạn muốn học hỏi.

Tin cùng chuyên mục